![]() |
CEO Sam Altman tiết lộ sự khác biệt giữa các độ tuổi khi dùng ChatGPT |
Sự phát triển mạnh mẽ của ChatGPT đang làm thay đổi cách con người tương tác với công nghệ, và điều này diễn ra khác nhau giữa các thế hệ. Theo CEO OpenAI Sam Altman, người trẻ đang sử dụng ChatGPT không chỉ để tìm kiếm thông tin mà còn như một “người bạn đồng hành” đưa ra lời khuyên trong cuộc sống, trong khi thế hệ lớn tuổi có xu hướng dùng công cụ này như một phiên bản mới của Google.
Phát biểu tại sự kiện AI Ascent do quỹ đầu tư Sequoia Capital tổ chức ngày 13/5, CEO Sam Altman đã đưa ra một nhận định đáng chú ý: “ Có thể tôi đang đơn giản hóa quá mức, nhưng nhìn chung thì người lớn tuổi dùng ChatGPT để thay Google, những người ở độ tuổi 20–30 xem nó như một cố vấn cuộc sống, còn sinh viên đại học thì coi ChatGPT như một hệ điều hành cá nhân”.
Đây không chỉ là cảm nhận cá nhân. OpenAI cũng từng công bố báo cáo cho thấy thanh niên Mỹ ở độ tuổi đại học là nhóm người dùng năng động nhất của ChatGPT. Hơn một phần ba số người từ 18 đến 24 tuổi tại Mỹ sử dụng công cụ này thường xuyên. Họ không chỉ dùng để đặt câu hỏi, mà còn lập trình, liên kết với tệp, ghi nhớ các câu lệnh phức tạp và biến ChatGPT thành một hệ sinh thái cá nhân.
CEO Sam Altman nhận xét: “Họ không ra quyết định quan trọng nào trong cuộc sống mà không hỏi ChatGPT nên làm gì.”
Một trong những điểm mạnh của ChatGPT là khả năng ghi nhớ lịch sử trò chuyện. Điều này cho phép nó “hiểu” bối cảnh cá nhân của từng người dùng, từ mối quan hệ, công việc đến những vấn đề họ đang gặp phải, điều này giúp các phản hồi mang tính cá nhân hóa cao hơn.
Không ít người dùng ChatGPT để xin lời khuyên về các mối quan hệ, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, hay thậm chí thay thế trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, xu hướng này cũng gây tranh cãi.
Một nghiên cứu công bố vào tháng 11/2023 đã cảnh báo rằng cần hết sức thận trọng khi sử dụng ChatGPT để tra cứu thông tin liên quan đến an toàn, y tế hoặc đưa ra quyết định lớn trong đời. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các quy định đạo đức, cũng như công cụ cảnh báo giúp người dùng nhận thức rõ giới hạn của AI.
Một nghiên cứu khác còn đánh giá rằng các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT có xu hướng “vô cảm” và thiếu trực giác xã hội, khiến chúng trở nên không đáng tin cậy trong những tình huống nhạy cảm hoặc cần sự đồng cảm.
Dù vậy, không phải tất cả các chuyên gia đều phản đối. Một số nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng đúng cách, ChatGPT có thể là công cụ hỗ trợ hữu ích, đặc biệt trong các tình huống cần phản hồi nhanh hoặc tổng hợp thông tin phức tạp.
Khi được hỏi liệu có an toàn để người dùng dựa vào ChatGPT như một nguồn tư vấn đáng tin cậy hay không, OpenAI đã từ chối bình luận với tạp chí Fortune.
CEO Sam Altman so sánh sự khác biệt trong cách các thế hệ sử dụng ChatGPT với thời kỳ smartphone mới ra đời: “Lũ trẻ có thể dùng rất thành thạo, trong khi người lớn tuổi phải mất vài năm mới quen với những thao tác cơ bản.”
Điều đó cho thấy, ChatGPT không chỉ là một công cụ công nghệ. Với người trẻ, nó đang dần trở thành một phần trong cuộc sống, thậm chí góp phần định hình cách họ tư duy, học tập và đưa ra quyết định, một xu hướng hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.