![]() |
Ông Donald Trump gây áp lực với Apple, yêu cầu dừng sản xuất iPhone tại Ấn Độ |
Trong chuyến công du tới Qatar ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã yêu cầu Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook, ngừng việc mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ cho thị trường Mỹ. Phát biểu này làm dấy lên nhiều lo ngại về chiến lược toàn cầu hóa chuỗi cung ứng của Apple cũng như tương lai sản xuất của hãng tại quốc gia Nam Á.
“Ngày hôm qua, tôi đã có một chút vấn đề với CEO Tim Cook. Tôi nói với ông ấy: Bạn của tôi, tôi đã đối xử rất tốt với ông. Ông đến đây với 500 tỷ USD, nhưng giờ tôi lại nghe nói ông đang xây dựng khắp Ấn Độ. Tôi không muốn Apple sản xuất ở đó”, ông Trump chia sẻ trong cuộc gặp với báo chí tại Qatar.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Apple đang đẩy mạnh quá trình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ nhằm giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại và địa chính trị. Theo kế hoạch, phần lớn iPhone bán ra tại Mỹ sẽ được nhập khẩu từ Ấn Độ vào cuối năm 2026. Tuy nhiên, lời cảnh báo từ ông Trump có thể buộc Apple phải điều chỉnh chiến lược này.
Tổng thống Donald Trump khẳng định ông muốn Apple tăng cường sản xuất tại Mỹ. Ông cho biết Apple đã hứa sẽ đáp ứng yêu cầu bằng cách mở rộng đầu tư nội địa. Trước đó, "Táo khuyết" từng cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ trong vòng 4 năm, bao gồm các kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất tại Houston (Texas), mở học viện sản xuất tại Michigan và mở rộng các trung tâm dữ liệu ở Bắc Carolina, Iowa, Oregon, Arizona và Nevada.
Tuy nhiên, việc xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng iPhone tại Mỹ bị đánh giá là gần như bất khả thi. Chi phí lao động cao, thiếu lực lượng kỹ sư và công nhân lành nghề, cũng như việc Apple đã dành hàng thập kỷ để phát triển hệ thống sản xuất tinh vi ở châu Á khiến việc "hồi hương" sản xuất gặp nhiều trở ngại.
“Nếu xây dựng nhà máy ở New Jersey hay Tây Virginia, iPhone có thể có giá lên tới 3.500 USD,” Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ tại Wedbush Securities, nhận định. Một báo cáo khác từ Rosenblatt Securities cũng cho rằng giá iPhone có thể tăng hơn 40% nếu Apple chuyển toàn bộ sản xuất về Mỹ và người tiêu dùng phải gánh chịu thuế suất mới.
Trong khi đó, Ấn Độ đang trở thành điểm đến sản xuất quan trọng của Apple. Quốc gia này không chỉ sở hữu lực lượng lao động giá rẻ, mà còn nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ chính phủ nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ lớn. Foxconn - đối tác lâu năm của Apple - cùng với tập đoàn Tata, hiện là hai đơn vị sản xuất chính iPhone tại miền Nam Ấn Độ.
Theo các báo cáo gần đây, Apple đã xuất khẩu hơn 2 tỷ USD giá trị sản phẩm từ Ấn Độ chỉ trong tháng 4, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 3 vừa qua, sản lượng iPhone sản xuất tại Ấn Độ đạt khoảng 22 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu.
Mặc dù ông Donald Trump khẳng định không phản đối Apple sản xuất iPhone tại Ấn Độ dành riêng cho thị trường địa phương, nhưng ông muốn các sản phẩm bán tại Mỹ phải được lắp ráp trong nước. Điều này có thể đẩy Apple vào thế khó, khi phải cân bằng giữa áp lực chính trị từ Mỹ và chiến lược tối ưu hóa chi phí toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng yêu cầu của ông Trump có thể mang nhiều tính biểu tượng và chính trị hơn là thực tiễn kinh tế. “Việc xây dựng lại toàn bộ chuỗi cung ứng iPhone tại Mỹ là điều không thể làm trong ngày một ngày hai. Đây là một chiến thuật quen thuộc của ông Trump nhằm tạo sức ép buộc các tập đoàn lớn phải đầu tư trong nước", ông Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research, nhận định.
Dù chịu sức ép, Apple có lẽ vẫn sẽ tiếp tục chiến lược đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đồng thời tận dụng các cơ hội mới từ những thị trường đang phát triển như Ấn Độ. Việc cân nhắc giữa lợi ích chính trị ngắn hạn và hiệu quả kinh tế dài hạn sẽ là bài toán lớn cho hãng công nghệ hàng đầu thế giới trong thời gian tới.