Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước

09:38 27/10/2022

Quyết định 2787/QĐ-BTNMT năm 2022 có hiệu lực từ ngày 24 tháng 10 năm 2022, theo đó nhiều thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký ban hành Quyết định số 2787/QĐ-BTNMT công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/10/2022, bao gồm các thủ tục sau:

Lĩnh vực môi trường bãi bỏ thủ tục hành chính
Thủ tục hành chính cấp trung ương gồm: Cấp điều chỉnh Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại; chấp thuận sử dụng dung dịch khoan nền không nước; Chấp thuận tách đấu nối khỏi hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và tự xử lý nước thải phát sinh; cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải; xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam.
Thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm: Chấp thuận tách đấu nối khỏi hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và tự xử lý nước thải phát sinh; Cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Thủ tục hành chính khu công nghiệp: Chấp thuận tách đấu nối khỏi hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và tự xử lý nước thải phát sinh.

Lĩnh vực tài nguyên nước bãi bỏ các thủ tục hành chính
Thủ tục hành chính cấp trung ương gồm: Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 30.000m3 /ngày đêm trở lên đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng từ 3.000m3 /ngày đêm trở lên đối với các hoạt động khác; Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 30.000m3 /ngày đêm trở lên đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng từ 3.000m3 /ngày đêm trở lên đối với các hoạt động khác. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm: Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 30.000m3 /ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng dưới 3.000m3 /ngày đêm đối với các hoạt động khác;
Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 30.000m3 /ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng dưới 3.000m3 /ngày đêm đối với các hoạt động khác.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với quy định điều kiện kinh doanh của lĩnh vực môi trường như thế nào?
Tại Quyết định 721/QĐ-TTg năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Theo phương án này, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong 06 lĩnh vực: đất đai, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo và đa dạng sinh học.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 82 thủ tục hành chính, trong đó:
- Lĩnh vực đất đai là 13 thủ tục;
- Lĩnh vực địa chất và khoáng sản là 28 thủ tục;
- Lĩnh vực tài nguyên nước là 21 thủ tục;
- Lĩnh vực khí tưởng thủy văn là 09 thủ tục;
- Lĩnh vực biển và hải đảo là 10 thủ tục;
- Lĩnh vực đa dạng sinh học là 01 thủ tục.
Ngoài ra, với Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT thì việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định điều kiện kinh doanh của lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền rà soát thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Giấy phép môi trường đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về Giấy phép môi trường như sau:
Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hiện nay giấy phép môi trường thay thế cho 7 loại giấy gồm:
- Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường,
- Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước,
- Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi,
- Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất,
- Giấy phép xử lý chất thải nguy hại,
- Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại,
- Giấy phép xả khí thải công nghiệp.
Theo đó, với quy định về giấy phép môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bãi bỏ nhiều loại thủ tục nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh.

 D.A (Tổng hợp)