UBND tỉnh cho phép Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam tiếp tục khai thác khoáng sản vật liệu san lấp (đất dăm sạn bồi nền) tại 3 mỏ khoáng sản tại huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc. Cho phép Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tiếp tục khai thác 1 mỏ khoáng sản đất dăm sạn làm vật liệu san lấp tại huyện Hàm Thuận Nam.
Thời hạn khai thác đến khi cung cấp đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; mục đích khai thác chỉ để cung cấp nguồn đất đắp thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).
UBND tỉnh cũng yêu cầu các nhà thầu trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn trong khai thác mỏ; phải thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ vật liệu san lấp và các sản phẩm khác; báo cáo đúng sản lượng khai thác, sử dụng khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc, nhà thầu phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý.
Ngày 1-4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành nghị quyết số 47 của Chính phủ về việc thí điểm tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Nghị quyết đồng ý để tỉnh Bình Thuận cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác ngay các mỏ đất đắp trên nhằm phục vụ dự án theo trữ lượng ghi trong giấy phép đã cấp.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung Luật khoáng sản để đáp ứng các vấn đề thực tiễn đang phát sinh trong thời gian tới.
Trước đó, hôm 7/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 31 đồng ý cho UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường).
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Thuận nếu trừ đi hai thủ tục được miễn theo Nghị quyết 31, thì 10 thủ tục còn lại vẫn phải thực hiện, nhanh nhất cũng mất đến 6 tháng. Đó là chưa kể phải làm các quy trình thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, trước khi cấp lại giấy phép. Vì vậy, địa phương này tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch.
Lâm Nghi