Cảnh giác trước tình trạng buôn lậu khoáng sản trên biển

11:05 14/11/2021

Lực lượng Cảnh sát biển trong 10 tháng qua đã bắt giữ và xử lý hàng trăm vụ vận chuyển xăng dầu, than đá trái phép trên các vùng biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Cà Mau, Kiên Giang, cho thấy tình hình này đang trở lên căng thẳng trong những tháng cuối năm.

Phức tạp từ Bắc tới Nam

Trong 10 tháng của năm 2021, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật nói chung và hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển nói riêng vẫn có diễn biến phức tạp. Đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều thủ đoạn khác nhau. Trên vùng biển vịnh Bắc Bộ hiện nay chủ yếu là các vụ việc gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép trong nội địa, tập trung các mặt hàng khoáng sản (chủ yếu là than nhiệt thấp), xăng dầu nhỏ lẻ.

Trong đó, các đối tượng lợi dụng việc nhà nước cho phép xuất khẩu số lượng quặng tồn ở các mỏ đã khai thác nhưng không tiêu thụ được trong nước để tiến hành thu mua, khai thác tại các điểm mỏ không được cấp phép rồi vận chuyển về các mỏ được phép khai thác, xuất khẩu hoặc hợp thức hóa đơn đầu vào để làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản. Có nhiều loại khoáng sản phải giám định mới xác định được hàm lượng, độ tinh thô của khoáng sản, do vậy các đối tượng thường để lẫn khoáng sản tinh với khoáng sản thô, khoáng sản có hàm lượng cao với khoáng sản có hàm lượng thấp nhằm qua mắt sự kiểm soát của cơ quan chức năng; cố tình kê khai sai giá trị và hàm lượng khoáng sản nhằm trốn thuế.

Điển hình, ngày 29/8, sau khi kiểm tra, bắt giữ 1 tàu đang vận chuyển khoảng 1.300 tấn than lậu trên sông Lô, lực lượng chức năng đã phát hiện đường dây buôn bán, vận chuyển than không rõ nguồn gốc từ Quảng Ninh đi các tỉnh thành tiêu thụ. Qua điều tra của lực lượng chức năng cho thấy một số đối tượng đã thành lập công ty gia đình và dưới vỏ bọc là đại gia lan đột biến, 12 đối tượng đã khai thác và mua gom than không rõ nguồn gốc, tập kết trái phép hoặc mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc than. Vụ việc đã được khởi tố.

Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu đang vận chuyển khoảng 75.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ.
Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu đang vận chuyển khoảng 75.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ.

Theo đại diện Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam, từ các vụ việc được lực lượng chức năng bắt giữ cho thấy mặt hàng than khoáng sản được các đối tượng mua bán chính ngạch ở khu vực Đông Bắc, sau đó mua than tiểu ngạch không giấy tờ về pha lẫn hợp thức hóa giấy tờ; thực hiện tẩy xóa, xoay vòng hóa đơn để qua mặt cơ quan chức năng.

Nếu như vùng biển phía Bắc nổi lên tình trạng buôn lậu than, khoáng sản thì vùng biển phía Nam tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu với số lượng lớn cũng có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, hơn 10 vụ buôn lậu xăng dầu đã bị phát hiện và bắt giữ. Điển hình, ngày 19/10, trên khu vực biển cách Đông Đông Nam Côn Đảo khoảng 115 hải lý, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tiến hành kiểm tra tàu BT 99998 TS do ông Lê Minh Tính, trú tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau làm thuyền trưởng. Qua kiểm tra và theo lời khai của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 75.000 lít dầu DO, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, khi thực hiện các hành vi vi phạm, các đối tượng thường tập trung ở vùng biển rất xa giáp ranh ở vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Trường hợp bị phát hiện truy đuổi, các đối tượng có thể dễ dàng cơ động di chuyển sang vùng biển nước ngoài để tránh sự truy đuổi. Ngoài ra, tình trạng sử dụng những chiếc tàu nhỏ hoán cải, thường xuyên thay đổi số hiệu tàu, giả danh tàu dịch vụ hậu cần thủy sản cũng đang được nhiều đối tượng sử dụng triệt để nhằm vận chuyển trót lọt hàng hóa trái phép trên biển.

Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm

Dự báo thời gian tới, giá cả mặt hàng xăng dầu trong và ngoài nước vẫn còn chênh lệch, nên nhu cầu mua xăng dầu bất hợp pháp diễn ra trên biển dự báo sẽ không giảm. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tích cực xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho nhân dân và ngư dân đi biển.

Từ đó, để người dân thêm hiểu biết về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo, nâng cao nhận thức, ý thức, không tham gia, bao che, tiếp tay; tăng cường, củng cố mối đoàn kết quân - dân, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đại diện Cục Nghiệp vụ và Pháp luật nhấn mạnh.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát biển cũng sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan... chủ động trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại.

P.V tổng hợp