Theo Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, kết quả khảo sát cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây. Cụ thể, trong tổng số 8.343 NLĐ tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm - theo Báo Giao thông- thông tin từ Báo Giao thông..
Tỷ lệ này đã giảm so với bối cảnh Covid-9 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng theo Ban IV, vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%.
Còn xét theo địa phương thì TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh, thành phố có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Về nguyên nhân, có 32,4% NLĐ không có việc cho biết rằng, họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh; 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.
Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân đánh giá, xu hướng số lượng NLĐ bị mất việc tại các doanh nghiệp tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023. Dự báo còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm khi kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây của Ban IV, chỉ ra “trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên”.
Bởi vậy, Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, gia tăng việc làm cho NLĐ, việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ hỗ trợ gián tiếp cho NLĐ.
Các nhóm giải pháp Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân nêu lên như: Kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho NLĐ hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động,…
Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân lưu ý: Không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động.
T.H