Cần nâng đầu tư nền kinh tế xanh ở Đông Nam Á lên 1.500 tỉ đô la vào năm 2030

14:56 15/04/2024

Mức đầu tư xanh hiện vẫn còn thấp so với mức cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Đông Nam Á vào năm 2030. Chỉ có khoảng 45 tỉ đô la đầu tư xanh đã được tích lũy từ cả khu vực công và tư nhân kể từ năm 2021.

Báo cáo mới từ Bain và Temasek đã ghi nhận một sự tăng trưởng đáng kể trong đầu tư xanh tại ASEAN, đánh dấu một bước cải thiện quan trọng sau hai năm liên tiếp của sự suy giảm từ năm 2021 đến năm 2022.

Theo báo cáo, trong năm 2023, năng lượng tái tạo vẫn là chủ đề lớn nhất trong đầu tư xanh tại ASEAN. Ngoài ra, đầu tư vào các trung tâm dữ liệu xanh ở Malaysia và Singapore cũng như các dự án quản lý chất thải như xử lý nước và tái chế nhựa đã giúp củng cố đầu tư xanh trong khu vực.

kinh tế xanh
Cần nâng đầu tư nền kinh tế xanh ở Đông Nam Á lên 1.500 tỉ đô la vào năm 2030.

Tuy nhiên, mức đầu tư xanh vẫn còn thấp so với mức cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Đông Nam Á vào năm 2030. Chỉ có khoảng 45 tỉ đô la đầu tư xanh đã được tích lũy từ cả khu vực công và tư nhân kể từ năm 2021.

Các chính phủ trong khu vực đã cam kết cắt giảm 32% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu quốc gia, được biết đến là đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Để đạt được cam kết này, ASEAN cần cắt giảm phát thải carbon từ mức dự báo vào năm 2030.

Để tăng cường quá trình khử carbon trong khu vực, báo cáo đã xác định 13 cơ hội đầu tư có thể tạo ra thêm doanh thu hàng năm và giảm lượng khí thải carbon. Các cơ hội này bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp tái tạo, năng lượng mặt trời và gió, phương tiện điện, và cơ sở hạ tầng sạc điện. Các ý tưởng này đã được chọn ra từ hơn 100 ý tưởng có thể đầu tư để khử carbon ở Đông Nam Á dựa trên tác động và tính khả thi của chúng.

Ngoài 13 ý tưởng ưu tiên nói trên, báo cáo ước tính tiềm năng kinh tế xanh của Đông Nam Á nếu được tận dụng đầy đủ có thể tạo ra thêm doanh thu hàng năm 300 tỉ đô la vào năm 2030. Con số này tương đương 5% GDP của khu vực vào thời điểm đó.

Các dự án đầu tư xanh dựa vào thiên nhiên và nông nghiệp, giao thông vận tải và sản xuất điện chiếm 220 tỉ đô la trong con số doanh thu tăng thêm tiềm năng này.

Báo cáo của Bain và Temasek đã đề xuất một số giải pháp để mở rộng quy mô đầu tư xanh vào Đông Nam Á. Báo cáo kêu gọi các chính phủ trong khu vực nên ưu tiên đầu xanh ở các lĩnh vực mà họ có lợi thế chiến lược hoặc có nhu cầu ngay lập tức. Họ cũng cần phát triển thị trường carbon nội địa và thiết lập một số tiêu chuẩn chung về thị trường này trong khu vực. Báo cáo đề xuất các chính phủ triển khai năng lượng tái tạo ở các cụm công nghiệp xanh, hợp tác xây dựng hạ tầng lưới điện và năng lượng tái tạo xuyên biên giới.

Báo cáo cũng xếp hạng tiến trình khử carbon của 10 nước thành viên ASEAN bằng cách đánh giá các số liệu như các mục tiêu, khung pháp lý hỗ trợ lộ trình giảm phát thải và hướng đến nỗ lực đưa phát thải carbon ròng về mức zero (Net – Zero).

Báo cáo ghi nhận Việt Nam đạt được tiến bộ lớn nhất về chỉ số nền kinh tế xanh trong năm 2023, với tổng điểm là 38, tăng 5 điểm so với năm 2022. Việc Chính phủ Việt Nam thiết lập mục tiêu Net – Zero vào năm 2050 đóng góp lớn nhất cho cải thiện điểm số này.

P.V (t/h)