Thực thi (RCEP) đặt ra yêu cầu giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch chặt chẽ hơn so với một số FTA khác. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt, hiểu đúng các quy định pháp lý để vận dụng, thực thi hiệu quả.
Theo ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS), Hiệp định RCEP là FTA có quy mô lớn nhất hiện nay Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, khi thực thi RCEP, DN cần lưu ý một số thách thức.
Đề cập cụ thể đến vấn đề tranh chấp, luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật Mặt Trời Mới, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, có một số số dạng tranh chấp phổ biến mà DN cần lưu ý như: Tranh chấp về xuất xứ hàng hóa; hợp đồng liên quan đến các yếu tố soạn thảo, giao kết, giải thích, thực hiện, số lượng, chất lượng, giá, phương thức thanh toán, thời gian, địa điểm, phương thức giao hàng, luật áp dụng, phương thức giải quyết tranh chấp...
Ngoài ra, các DN cũng phải lưu ý đến các tranh chấp về đầu tư. Theo thống kê của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đến nay, đã có 6 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam tại trọng tài quốc tế. Số lượng vụ nhà đầu tư gửi thông báo ý định khởi kiện cũng ngày càng có xu hướng gia tăng.
Đặt trong bối cảnh thực thi RCEP nói riêng và hàng loạt FTA khác nói chung, các tranh chấp có xu hướng tăng, nếu không thận trọng, tranh chấp nhỏ sẽ lớn và phức tạp hơn. Thông thường, các tranh chấp này nếu không giải quyết bằng thương lượng sẽ được giải quyết bằng trọng tài quốc tế - phương thức tuy có nhiều ưu điểm nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi, như tính trung lập của hội đồng trọng tài hay chủ quyền quốc gia liên quan. Vì thế, gần đây, xu hướng hòa giải giữa các bên đang ngày càng được quan tâm và nhận định là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả đối với các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, việc đưa Hiệp định RCEP vào thực thi cần có một số cơ chế, như ban hành văn bản hướng dẫn xem thuế được giảm như thế nào, cấp chứng nhận xuất xứ ra sao... Các bộ, ngành cũng phải dự thảo văn bản, đăng lên cổng thông tin điện tử và lấy ý kiến rộng rãi của tất cả những đối tượng liên quan... Về phía DN, muốn tham gia được “sân chơi” mở rộng như Hiệp định RCEP, đòi hỏi các DN trong nước cần nắm vững quy định pháp lý để hạn chế rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn khi ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài.
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, cùng với các cơ hội, DN cũng phải đối mặt với nhiều tranh chấp có tính quốc tế với đối thủ cạnh tranh. Vì lẽ đó, việc trang bị kiến thức về luật pháp quốc tế và kinh nghiệm tham gia, xử lý các sự vụ tranh chấp là rất cần thiết đối với đa phần DN. DN cần chủ động tìm hiểu các vụ kiện hay tranh chấp thương mại để nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm cho chính mình.
PV