Xã hội chỉ phát triển khi các giai tầng phát triển đều chung sức vì những mục tiêu chung dưới sự định hướng của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân. Nhật Bản và Hàn Quốc đã trải qua hàng thập niên tập trung đoàn kết và sản xuất trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia và trở thành cường quốc kinh tế. Lịch sử của họ đã trải qua hai thế hệ mất mát, đó là những người Nhật và người Hàn 70 tuổi đến 80 tuổi ngày nay, những người đã chịu nhiều hy sinh để kiến tạo nên một Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển ngày nay.
Những thế hệ này đã phải làm việc ngày đêm trong suốt hàng thập niên và miệt mài theo định hướng của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế. Do đó, họ duy trì một tinh thần dân tộc rất cao. Tinh thần dân tộc không thể hiện qua chỉ những trận đấu bóng đá mà thể hiện qua những hành động đơn giản trong cuộc sống của chúng ta về một định hướng quốc gia phát triển.
Quy tắc hai thế hệ hy sinh này dường như cũng được áp dụng tốt cho nền kinh tế Singapore và Đài Loan trong quá trình kiến tạo quốc gia của họ. Vậy còn ở Việt Nam ai đã, đang và sẽ sẵn sàng trở thành thế hệ phá băng?
Thế hệ phá băng sẽ được gì? Câu trả lời là không được gì ngoài đau thương, như những gì đã xảy ra với những thế hệ phá băng trước ở các quốc gia thành công. Tuy nhiên, điều mà những thế hệ phá băng tạo ra chính là nền tảng để các thế hệ sau phát triển. Khi các nguyên nhân nền tảng không được thay đổi thì kết quả chắc chắn sẽ không được thay đổi. Thế hệ phá băng sẽ chấp nhận những thử thách và thậm chí thất bại sẽ là một phần tất yếu của quá trình, nhưng những thất bại này sẽ là tiền đề để giảm thiểu thất bại của thế hệ sau.
Câu chuyện của gia đình cũng tương tự như câu chuyện của quốc gia. Trong một gia đình nghèo khó để tạo dựng ra một khối tài sản ban đầu cũng vậy, sẽ cần sự hy sinh của hai thế hệ ban đầu, làm việc quần quật ngày đêm với hy vọng rằng thế hệ thứ ba có được nền tảng vững chắc để bắt đầu một cuộc sống có điều kiện và cân bằng hơn.
Những gì thế hệ phá băng làm không phải là một điều gì quá to tát. Chúng ta chỉ cần làm tốt công việc trong chức trách của chúng ta.
Bảng: Sự khác biệt trong hành động của thế hệ phá băng và thế hệ cũ
Dịch bệnh đã cho chúng ta một lần nữa thấy được cấu trúc nền kinh tế của chúng ta mong manh như thế nào. Hóa ra những dự án bất động sản hào nhoáng, những trung tâm thương mại và siêu xe đắt tiền chỉ là một bề nổi rất nhỏ của nền kinh tế. Chính khả năng tự chủ về các yếu tố cơ bản của con người mới là nguồn gốc đảm bảo sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Sau dịch bệnh, Việt Nam có thể một lần nữa trở thành điểm đến thu hút đầu tư của nước ngoài nhưng liệu rằng chúng ta sẽ tiếp tục chỉ dừng lại với những con số tăng trưởng hay thế hệ chúng ta sẽ sẵn sàng trở thành thế hệ phá băng để biến Việt Nam trở thành Nhật Bản và Hàn Quốc thứ hai sau này.
Liệu bạn đã sẵn sàng để trở thành thế hệ phá băng đầu tiên? Hay bạn nghĩ thế hệ sau sẽ là người phải gánh vác điều đó thay chúng ta.
TT/(theo thesaigontimes.vn)