Thậm chí, một cách khẩn trương, các địa phương đang tổ chức hoạt động “giải cứu đồng hương” đưa người dân từ vùng dịch về các tỉnh thành cũng nên dừng lại, đổi qua giải pháp cứu trợ tại chỗ, an toàn và thiết thực hơn.
Nguyên tắc “ai ở yên đó” bị phá vỡ?
Thực tế ngay từ khi dịch bệnh lây lan, yêu cầu “ai ở yên đó” đã được xác định là vấn đề tiên quyết và dứt khoát phải được thực thi nghiêm ngặt. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia gần như luôn nhắc đi nhắc lại yêu cầu này, đặc biệt từ khi con số lây nhiễm gia tăng nhanh chóng ở chính tâm dịch lớn nhất nước đã định vị hiện nay là TP.HCM.
Tuy nhiên, bởi nhiều lý do khác nhau, đòi hỏi kiên định “ai ở yên đó” đang bị phá vỡ bởi chính các cấp chính quyền địa phương. Đây là một thực trạng phải thừa nhận, khi tại mỗi khu vực có dịch bệnh, hiện tượng người dân đi lại, ùn ứ bởi các hoạt động tự phát hoặc do chính quyền tổ chức xảy ra rất thường xuyên. Những biểu hiện này diễn ra rất rõ, từ việc người dân đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ tại các khu vực khi có thông tin áp dụng giãn cách, cho đến những đợt tổ chức xét nghiệm cộng đồng, quy định lấy phiếu xét nghiệm làm cơ sở “thông hành” cho người dân đi lại. Cảnh hàng ngàn lao động tự do chen lấn ở các trung tâm tiêm phòng, xét nghiệm, xô đẩy cổng công xưởng nhà máy… đã gióng tiếng chuông cảnh báo thực tiễn khó kiểm soát được về ý thức chấp hành các quy định phòng ngừa dịch tễ.
Đáng ngại hơn, sau khi TP.HCM có nguy cơ trở thành tâm điểm bùng phát dịch bệnh mạnh hơn, các địa phương miền Trung rồi cả nước đã lần lượt tổ chức, kêu gọi “giải cứu đồng hương”. Về mặt nhân đạo, đây là động thái tích cực, thể hiện quan tâm chia sẻ của các địa phương với đông đảo người dân lao động đang lưu trú ở tâm dịch TP.HCM. Chính quyền địa phương đã rốt ráo đứng ra tổ chức các đoàn xe, chuyến máy bay, xe lửa để đưa người dân “hồi hương tránh dịch”. Hàng trăm lao động đã được các tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đưa về quê, tổ chức cách ly càng làm dấy lên lời ca ngợi, tự hào về quê hương.
Tuy nhiên, hệ lụy chương trình này, là một lượng lớn lao động vùng dịch đã được chuyển về quê mà chưa hẳn bảo đảm các yêu cầu về phòng ngừa dịch tễ triệt để. Nguy hiểm hơn, hàng ngàn lao động, đa số là lao động tự do, tự xét thấy không đủ điều kiện đăng ký các chương trình “giải cứu đồng hương” đã tự động chọn cách tự đi. Bắt đầu từ vài trường hợp tự phát, được dư luận, cộng đồng mạng xã hội, và nhất là báo chí lên tiếng, áp lực với các địa phương phải hỗ trợ cho về quê bởi tình cảnh quá khó khăn, đến nay tình hình đã trở thành làn sóng hàng ngàn xe máy cùng khởi hành di chuyển về các miền quê để “tránh dịch”.
Thông tin mới đây của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, có nhiều trường hợp lao động tự di chuyển qua xét nghiệm đã phát hiện bị lây nhiễm, chính thức cảnh báo nguy cơ lây lan rất lớn với các địa phương nếu dòng lao động tự do gia tăng. Áp lực cho công tác phòng dịch tại các địa phương sẽ đó sẽ rất lớn, và nếu không có ngay giải pháp ngăn cản, yêu cầu “ai ở yên đó”, tình hình sẽ không hề đơn giản để kiểm soát nữa.
Cần ngay những chuỗi cung ứng cứu trợ!
Nguyên nhân tình hình di chuyển lao động tự do hiện nay, ai cũng hiểu là bởi sợ hãi thiếu nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm tại vùng dịch. Đa số lao động tự di chuyển đều cho biết, họ không có lựa chọn khác khi hàng tuần lễ mất việc làm, hết thu nhập và chưa biết khi nào dịch bệnh suy giảm. Trong khi đó, một số địa phương áp dụng giãn cách cứng nhắc, phân biệt cực đoan, đã khiến chuỗi cung ứng lương thực, nông sản về TP.HCM bị đứt gãy.
Tại một số tỉnh, nông sản đến kỳ thu hoạch phải đổ bỏ do không có đầu ra, TP.HCM lại có nhiều khu vực khan hiếm rau xanh, củ quả… Giá cả một số mặt hàng bị giới đầu cơ đẩy lên, càng khiến người lao động thêm khó khăn. Nhiều lao động chia sẻ, ngay số tiền cứu trợ 1,5 triệu đồng mà chính quyền TP.HCM trao, họ cũng không thể cầm cự lâu, khi giá hàng hóa đồng loạt tăng 2 – 5 lần.
Rõ ràng đã đến lúc, TP.HCM và các địa phương cần nhìn lại vấn đề, nên chuyển hướng từ “giải cứu đồng hương” sang tổ chức ngay những chuỗi cung ứng cứu trợ cho người lao động vùng dịch. Chỉ đơn giản qua các hiệp hội, tổ chức xã hội, các đoàn thể địa phương, cụ thể như Hội Nông dân, Hội Đồng hương…, việc kết nối các luồng vận tải lương thực, thực phẩm từ tỉnh thành về vùng dịch TP.HCM sẽ thông suốt, sau đó tập kết về các khu vực tổ chức để phân phối cho người dân lao động đang bị khó khăn.
Việc này sẽ không chỉ xử lý khó khăn cho người lao động tại chỗ, động viên họ “ai ở yên đó”, mà còn giúp các địa phương giảm áp lực tổ chức các phương tiện, đội ngũ đưa đón, cách ly người lao động tại quê nhà. Câu chuyện bị đứt gãy chuỗi cung ứng cần thiết cho chính người dân TP.HCM cũng qua đây được giải quyết. Công tác chống dịch ở chính tâm điểm nóng TP.HCM tự nhiên sẽ giảm các áp lực dư luận không đáng có, để tập trung tốt hơn và hiệu quả hơn vào mục tiêu thắng lợi cuối cùng.
Nguyên Đức