Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng trên khắp nước Mỹ, các công ty điên cuồng tranh giành công nhân. Phía Calder cho biết công ty không thể không tăng lương để có thể cạnh tranh nhưng đồng thời, giá nguyên liệu thô được sử dụng trong các sản phẩm máy móc rải nhựa đường mà Calder chế tạo tăng vọt khiến doanh nghiệp này rơi vào thế bí. Chủ sở hữu công ty cho biết: “Điều này thực sự giết chết hoạt động của công ty chúng tôi”.
Nhìn chung, các nhà sản xuất nước Mỹ thuộc mọi quy mô đang phải vật lộn với áp lực lạm phát mạnh nhất trong ba thập kỷ sau khi giá nguyên vật liệu tăng không ngừng trong suốt 13 tháng qua. Harley-Davidson Inc cho hay công ty sẽ áp dụng mức phụ phí trung bình là 2% kể từ ngày 1 tháng 7 đối với một số mẫu xe được bán tại Hoa Kỳ để giảm thiểu áp lực chi phí mặc dù quyết định này đã làm giảm 5 điểm phần trăm lợi nhuận trong quý gần nhất.
Giá hàng hóa cao hơn đã và đang ăn sâu vào ngân sách của các công ty, khiến các nhà sản xuất khó cạnh tranh hơn trong một thị trường lao động eo hẹp. Ví dụ, Calder Brothers phát sinh thêm 50% chi phí tổng sản xuất, chi trả cho nguyên liệu tăng 15% trong năm nay. Tuy rằng doanh số bán sản phẩm có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thể quay trở lại mức trước đại dịch.
Công ty hiện có kế hoạch tăng giá bán 10% vào mùa thu tới đây nhằm cung cấp một số biện pháp tài chính hỗ trợ chính sách tăng lương từ 2% đến 4%. Doanh nghiệp của anh em nhà Calder là một trong những công ty trả lương tốt nhất ở quận Greenville với mức khởi điểm là 16,80 đô la/ giờ, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu của tiểu bang hoặc liên bang. Thế nhưng công ty đã mất 10% lực lượng lao động kể từ mùa thu năm ngoái.
Nhà sản xuất thiết bị phải đối mặt với thách thức giữ chân công nhân vào thời điểm cần tăng tốc để theo kịp khối lượng đơn đặt hàng. Calder đã chạy quảng cáo việc làm tuyển dụng cho bốn thợ hàn, hai thợ máy và năm thợ lắp ráp kể từ tháng hai, nhưng cho đến nay mới chỉ lấp đầy được ba vị trí.
Thị trường lao động eo hẹp cũng hạn chế Calder Brothers tiêm chủng cho toàn bộ nhân viên. Công ty chỉ tiêm cho 35% công nhân trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh chóng và hoạt động sản xuất có thể gặp rủi ro. Các nhà sản xuất Mỹ từ lâu đã phàn nàn về tình trạng thiếu lao động. Nhưng cho đến tháng 4 này, mức lương của công nhân sản xuất vẫn chưa theo kịp xu hướng chung của nền kinh tế. Năm nay, nguồn cung lao động của Hoa Kỳ đã bị hạn chế hơn nữa do chồng chéo trợ cấp cho người thất nghiệp, các vấn đề chăm sóc trẻ em và nghỉ hưu đ cũng như thay đổi nghề nghiệp.
Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Hoa Kỳ, số lượng vị trí cần người làm tại các nhà máy sản xuất đang ở mức cao nhất trong hai thập kỷ trái ngược với hiện trạng nhiều công nhân bỏ việc hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Trong khi đó, nền kinh tế đang bùng nổ đã làm dấy lên một cuộc cạnh tranh khốc liệt khi các nhà sản xuất hiện đang giành người lao động với các công ty như McDonald's Corp và Amazon.com Inc, những nơi đưa ra mức lương cao hơn cũng như cam kết có tiền thưởng. Do đó, mức lương lao động dự kiến sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới với tốc độ nhanh chưa từng có.
Các nhà sản xuất khác cũng đang đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự. Win-Tech Inc có trụ sở tại Georgia, công ty sản xuất các bộ phận cho Lockheed Martin Corp vào tháng trước đã không thể tuyển đủ lao động do phía đối thủ tăng gấp đôi số lương mà công ty có thể chi trả. Cuộc đấu tranh tìm kiếm công nhân không chỉ áp đặt những hạn chế đối với khả năng phát triển của các nhà sản xuất mà còn góp phần gây ra những tắc nghẽn về nguồn cung và hậu cần.
TL