Sản phẩm OCOP – từ địa phương hướng tới thương hiệu Việt Nam toàn cầu |
Đa dạng hóa hoạt động
Dự kiến, hội chợ có quy mô 300 gian hàng của trên 150 doanh nghiệp trưng bày các mặt hàng đạt chứng nhận OCOP, như: Chè, cà phê, hàng lưu niệm, sản phẩm dược liệu, trầm hương, tinh dầu, tinh bột nghệ, các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm sấy khô, tổ yến, sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, dầu xả, serum...
![]() |
Sắp diễn ra Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu năm 2025 |
Trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra Tọa đàm: “Ứng dụng Chuyển đổi số trong phát triển OCOP xuất khẩu”; Diễn đàn: Xu hướng tiêu dùng toàn cầu và cơ hội cho OCOP xuất khẩu; kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt với các nhà nhập khẩu quốc tế; Chương trình Livestream: OCOP 4.0 - Cùng sản phẩm Việt vươn ra thế giới; chế biến món ăn từ sản phẩm OCOP…
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hàng năm, hầu hết các địa phương trên cả nước đều tổ chức các Hội chợ OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Tuy nhiên, các hội chợ này mới chỉ dừng lại ở quy mô cấp huyện, tỉnh mà chưa có hội chợ cấp quốc gia, quốc tế.
Vì vậy, việc tổ chức Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế thông qua các cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác kinh doanh trực tiếp với các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu nước ngoài.
Năm 2024, lần đầu tiên VIETNAM OCOPEX được tổ chức tại Quảng trường Grand World, Khu Venice thuộc Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3, Hưng Yên. Triển lãm đã tạo dấu ấn quan trọng trong hành trình nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP và mở ra định hướng xuất khẩu cho các sản phẩm OCOP Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế.
Tại VIETNAM OCOPEX 2024, các chủ thể OCOP đã có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan đại diện và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức xúc tiến thương mại đã có cơ hội tiếp cận thông tin về thị trường và sản phẩm tiêu chuẩn OCOP của các địa phương.
Khai thác lợi thế để xuất khẩu
Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hướng tới xây dựng các sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Điều này đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp.
Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao. Tính đến hết năm 2024, cả nước đã có 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023), của 8.086 chủ thể OCOP. Trong đó có 79 sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn và được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia; 9 sản phẩm công nhận lại.
Đánh giá của Bộ Công Thương, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, như góp phần thay đổi về tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh của địa phương; sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, chương trình còn tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ; giúp các chủ thể chủ động trong phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, những năm qua, Chương trình OCOP đã đạt được rất nhiều thành công, đặc biệt trong việc phát triển sản phẩm ở nông thôn và thúc đẩy thương mại và công nghiệp nông thôn.
Đánh giá của giới chuyên gia, Chương trình OCOP đã và đang đóng vai trò chủ lực trong việc khẳng định giá trị của các sản phẩm nông thôn, giúp các sản phẩm từ khắp mọi miền Tổ quốc không chỉ đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Các sản phẩm OCOP không chỉ mang nét đặc trưng về văn hóa và truyền thống mà còn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, quốc tế.
VIETNAM OCOPEX 2025 là cơ hội để các chủ thể OCOP có dịp trao đổi, tìm hiểu về những yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới và nghiên cứu khả năng mở rộng quy mô xuất khẩu. |