Đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay hôm thứ Tư (18/9) ở mức 50 điểm cơ bản đã gây ra sự biến động trên các loại tài sản. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào thứ Tư. Ngược lại, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế lại tiếp tục tăng lên mức đỉnh mới, và chứng khoán châu Á cũng tăng điểm đáng kể vào sáng thứ Năm, với chỉ số chứng khoán Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục mới.
Theo các chuyên gia phân tích, xu hướng đa dạng này xuất phát từ phát biểu mâu thuẫn của Chủ tịch Fed, Jerome Powell. Ông bắt đầu chu kỳ nới lỏng với đợt cắt giảm mạnh nhưng lại nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong tình trạng tốt. Điều này khiến nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong ngắn hạn.
Dù kinh tế Mỹ chưa tiến tới điểm suy thoái, các dấu hiệu đã cho thấy sự chậm lại đáng kể. Tốc độ chậm lại này, theo các chuyên gia, sẽ quyết định tốc độ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Theo Emkay Global Financial Service: “Thị trường đang kỳ vọng mức giảm khoảng 60 điểm cơ bản cho năm 2024 và 150 điểm cơ bản cho năm 2025 – cao hơn nhiều so với dự báo của Fed. Hầu hết các loại tài sản đã mất đi động lực tăng trưởng trước đó khi ông Powell cảnh báo không nên kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất lớn hơn trong tương lai”.
Các loại tài sản sẽ ra sao sau khi Fed cắt giảm lãi suất? (Ảnh: Ajay Mohanty) |
Ảnh hưởng của việc cắt giảm lãi suất của Fed đến thị trường cổ phiếu
Theo ông Unmesh Kulkarni, Giám đốc điều hành và cố vấn cấp cao tại Julius Baer Ấn Độ, thị trường chứng khoán Mỹ trong lịch sử thường diễn biến tốt nếu chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed đi kèm với một nền kinh tế mạnh.
“Môi trường vĩ mô toàn cầu hiện nay đang ủng hộ cho thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, sự biến động trên thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục ở mức cao do những bất định xung quanh cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ cùng với lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ, cũng như các yếu tố địa chính trị khác”, ông nói.
“Việc giảm lãi suất có xu hướng làm giảm chi phí vay vốn, từ đó có thể thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư, tạo đà thuận lợi cho cổ phiếu,” ông Woo của Phillip Securities cho biết.
Đợt cắt giảm lãi suất cũng sẽ bơm thêm thanh khoản vào các thị trường toàn cầu. Các thị trường mới nổi, đặc biệt là các nước châu Á, sẽ hưởng lợi từ chi phí vốn thấp hơn và có thể chứng kiến giá cổ phiếu tăng lên, ông nói thêm.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào việc liệu kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng (rơi vào suy thoái).
Ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu
Theo các chuyên gia phân tích, động thái cắt giảm 50 điểm cơ bản của Fed có thể dẫn đến một đợt tăng trưởng trên thị trường trái phiếu toàn cầu, cải thiện thanh khoản và làm giảm chi phí vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc cắt giảm lãi suất này cũng có thể làm suy yếu đồng USD, tăng nhu cầu nước ngoài đối với trái phiếu Mỹ.
Như một chiến lược, các chuyên gia phân tích tại Fisdom khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng vào trái phiếu dài hạn để tận dụng cơ hội tăng vốn khi giá trái phiếu tăng cùng với lợi suất giảm. Các chuyên gia cũng khuyến nghị “duy trì một phần danh mục vào trái phiếu ngắn hạn hoặc trái phiếu doanh nghiệp chất lượng cao để đảm bảo sự ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động lãi suất hoặc sự thay đổi trong điều kiện kinh tế”.
Ảnh hưởng đến giá vàng
Trái ngược với kỳ vọng, giá vàng giảm nhẹ sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed. Sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.618 USD/ounce vào thứ Tư, kim loại quý này được giao dịch ở mức 2.587 USD/ounce vào ngày hôm sau.
Thông thường, giá vàng sẽ tăng trưởng mạnh trong điều kiện các chu kỳ cắt giảm lãi suất đi kèm với môi trường suy thoái kinh tế.
“Việc cắt giảm 50 điểm cơ bản có thể làm suy yếu đồng USD, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghệ thông tin và mang lại lợi ích cho vàng. Sau quyết định này, có thể cân nhắc chiến lược giao dịch cặp ‘mua vàng và bán khống cổ phiếu IT”, ông Vikram Kasat, Trưởng phòng Tư vấn của PL Capital - Prabhudas Lilladher cho biết.
Ảnh hưởng đến giá dầu
Dù Fed đã trấn an nhà đầu tư về sự ổn định của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản này là bước đầu tiên trong nỗ lực chống lại suy thoái. Do đó, nhu cầu dầu tại các nước phương Tây dự kiến sẽ chững lại.
“Giữa lúc Trung Quốc tăng sản lượng dầu, các quốc gia sản xuất dầu cũng sẽ có xu hướng giảm bớt các chính sách hạn chế sản lượng khi cạnh tranh về thị phần gia tăng. Những cú sốc giá do địa chính trị thường chỉ kéo dài trong ngắn hạn, và nếu không có sự bùng phát nghiêm trọng trong điều kiện địa chính trị, xu hướng giảm hiện tại của giá dầu có thể kéo dài thêm một thời gian”, ông Unmesh Kulkarni của Julius Baer Ấn Độ cho biết.