Bài liên quan |
Doanh nghiệp ngành gỗ chủ động chinh phục mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD |
Ngành gỗ, dệt may họp khẩn về mức thuế đối ứng 46% của Mỹ |
Việc Mỹ bất ngờ áp thuế đối ứng 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là gỗ và sản phẩm gỗ, đang tạo ra những cú sốc nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng. Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng sụt giảm, không ít khách hàng đã ngừng hoặc tạm hoãn các đơn đặt hàng, tạo áp lực lớn lên toàn bộ hệ sinh thái sản xuất và xuất khẩu gỗ.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thẳng thắn nhìn nhận: Phần lớn các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay là vừa và nhỏ, hoặc ở quy mô hộ gia đình. Điều này khiến họ gặp nhiều trở ngại trong việc thích ứng nhanh với biến động thị trường, đặc biệt là việc đổi mới công nghệ và hiện đại hóa quy trình sản xuất.
![]() |
Các hiệp hội ngành gỗ phân tích khó khăn của doanh nghiệp trước áp lực thuế quan |
Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định, thiếu gỗ lớn, buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài – khiến chi phí đầu vào tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu gỗ khác như Thái Lan, Malaysia hay Mexico.
Theo ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), một khảo sát với 50 doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy có đến 52% phụ thuộc vào thị trường Mỹ – nơi chiếm hơn một nửa doanh số xuất khẩu. Chính vì vậy, mức thuế mới không chỉ gây ra gián đoạn đơn hàng mà còn tạo sức ép về giá, tồn kho, và tài chính, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh buộc phải đóng cửa hoặc tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động.
Trong dài hạn, mức thuế cao khiến hàng Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh, dễ bị thay thế bởi sản phẩm từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn, dẫn đến nguy cơ mất thị phần, thậm chí rút lui khỏi thị trường Mỹ – vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Trước tình hình trên, Viforest đang chủ động phối hợp với các bộ ngành để chuẩn bị cho các buổi điều trần, nhằm chứng minh mối quan hệ thương mại giữa hai nước là bổ trợ, không cạnh tranh – đặc biệt trong ngành gỗ. Bên cạnh hoạt động vận động chính sách, doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc chiến lược kinh doanh một cách toàn diện.
Cụ thể, theo ông Ngô Sỹ Hoài, cần đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Mỹ như gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer để cân bằng cán cân thương mại, đồng thời cho thấy thiện chí hợp tác từ phía Việt Nam.
Song song, ngành gỗ cần chủ động mở rộng thị trường, hướng đến các khu vực tiềm năng như Nhật Bản, Australia, châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc, nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Đồng thời, việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước – hợp pháp, có chứng chỉ FSC và chất lượng cao – là nền tảng bền vững cho ngành công nghiệp gỗ trong tương lai.
Về lâu dài, các doanh nghiệp gỗ cần chuyển mình từ mô hình OEM (gia công) sang ODM (chủ động thiết kế sản phẩm) và OBM (xây dựng thương hiệu riêng). Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn nâng cao năng lực tự chủ, giảm lệ thuộc vào biến động đơn hàng từ các nhà nhập khẩu lớn.
Bất chấp thách thức, ngành gỗ vẫn cho thấy dấu hiệu phục hồi trong quý I/2025 khi đạt kim ngạch xuất khẩu 3,95 tỷ USD – tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, khẳng định tiềm năng và sức bật của ngành, nếu có được sự đồng hành quyết liệt từ cơ quan quản lý và bản lĩnh thích ứng nhanh từ phía doanh nghiệp.