Lãnh đạo Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH/HoSE) cho biết, các đơn hàng năm 2023 đã được xác nhận cơ bản và vẫn sẽ tăng trưởng ổn định.
Với tệp khách lớn và mạnh về năng lực tài chính, nên khách hàng vẫn quan tâm đến việc tăng trưởng cùng MSH. Do đó, mục tiêu trong năm 2023, MSH tiếp tục đầu tư vào công nghệ và quản trị để cạnh tranh hơn về năng lực sản xuất, giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng, đồng thời duy trì sự minh bạch trong quản trị, đầu tư các giải pháp bảo vệ môi trường.
Báo cáo tài chính hợp nhất của MSH cho biết, quý IV/2022, Công ty đạt 1.141 tỷ đồng doanh thu, sau khi trừ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp..., lợi nhuận trước thuế đạt 93,7 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, Công ty đạt 5.522 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 436,9 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng doanh thu đạt 16,3% trong năm 2022, MSH có bước chạy đà để tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh các thị trường chính dần trở về cuộc sống bình thường sau đại dịch.
Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Ngoài ra, còn có những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng, như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải...
Hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu được ngành dệt may đưa ra, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD. Cũng theo dự báo, khó khăn sẽ kéo dài tới hết quý I, thậm chí tới quý II/2023. Tình trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu.
Thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Do đó, ngành dệt may cần tập trung vào các giải pháp hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, phát triển sản xuất xanh, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cơ cấu lại sản phẩm để duy trì sản xuất... Riêng ngành sợi, dự kiến còn khó khăn, giá sợi bán dưới giá thành đến hết tháng 6/2023, do vậy các doanh nghiệp ngành sợi cần tối ưu về cơ cấu mặt hàng để giảm thiếu chi phí, giảm thiệt hại để bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp may, cần linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, tập trung vào các ngành mang lại giá trị gia tăng cao cũng như phấn đấu giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 4-6% trong bối cảnh thế giới giảm khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng. Tập trung vào các giải pháp hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, phát triển sản xuất xanh, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng.
P.V (t/h)