Các quán bia, cửa hàng và các doanh nghiệp nhỏ khác ở Paris đang chứng kiến sự giảm sút đáng kể về doanh số khi lượng khách đến sụt giảm trước Thế vận hội, với khách du lịch và số lượng người có vé xem vẫn chưa thể bù đắp được cho số khách hàng là người dân địa phương đã di tản khỏi khu vực tổ chức sự kiện.
Giai đoạn bán lẻ ảm đạm, cùng với cảnh báo về doanh thu kém từ một số hãng hàng không và khách sạn trong suốt sự kiện, đã gây nghi ngờ về quy mô thúc đẩy kinh tế của Thế vận hội Paris 2024 đối với Pháp. Bên trong vành đai an ninh dọc theo bờ sông Seine, lượng khách hàng còn giảm mạnh hơn nữa khi bất kỳ ai chưa đăng ký trước lễ khai mạc sẽ không thể di chuyển vào khu vực này.
Marc Houlier, người phục vụ tại quán Deux Palais, cho biết: "Thật kỳ lạ khi có quá ít người đến đây để ăn trưa". Được biết, đây là một quán cà phê trên đảo Île de la Cité thường chật kín luật sư tới dùng bữa từ một tòa án gần đó.
Theo ông Bernard Cohen-Hadad, người đứng đầu nhóm vận động hành lang doanh nghiệp nhỏ CPME cho khu vực Paris, một số chủ nhà hàng đã ghi nhận mức giảm 50% về doanh số bán hàng vào tháng 7 và phải đối mặt với nỗi lo về tiền thuê nhà và lương. "Chúng tôi biết sẽ rất khó khăn cho khâu giao hàng, cùng với đó là việc đóng cửa tàu điện ngầm… nhưng chúng tôi không ngờ lại thiếu khách người Pháp cũng như khách nước ngoài như vậy".
Đối với các doanh nghiệp khác, doanh thu còn ghi nhận giảm tới 70%. Các hiệp hội khách sạn và các nhóm vận động hành lang khác đã kêu gọi hỗ trợ tài chính từ chính phủ, tương tự như khoản được giải ngân trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
"Tình hình kinh tế đối với nhiều người đã khó khăn do lạm phát và chi phí năng lượng tăng cao", ông Francis Palombi, người đứng đầu một liên đoàn các công ty thương mại, cho biết thêm rằng "việc đưa tin gây lo lắng về lệnh phong tỏa" đã khiến cho nhiều người dân Paris rời khỏi thành phố.
Một ủy ban khu vực để xem xét các yêu cầu bồi thường đang được thành lập, trong khi Tổng thống Emmanuel Macron cho biết hôm thứ Hai rằng chính phủ lâm thời của ông sẽ xem xét hậu quả tác động tới nền kinh tế. Chính phủ Pháp đã chi trả cho các chương trình trợ cấp thất nghiệp tạm thời trong thời gian đại dịch trước đây.
Mặc dù một số doanh nghiệp có thể sẽ không bù đắp được tổn thất, nhưng chi tiêu dự kiến sẽ tăng lên khi Thế vận hội bắt đầu, với việc các nhà hàng, hệ thống tàu điện ngầm và các dịch vụ khác sẽ tăng giá để thu tiền theo nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, các nhà kinh tế và giới chức kỳ vọng Thế vận hội dự kiến sẽ góp phần làm gia tăng sản lượng và tiêu dùng của Pháp trong năm nay. Văn phòng thống kê Insee dự báo tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm trong quý 3. Con số này gần bằng ước tính của Allianz về mức tăng tổng thể 10 tỷ euro cho GDP từ chi tiêu của khách du lịch và đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng.
Trước đó tại Olympic London 2012, những con phố vắng vẻ cũng đã trở thành tiêu điểm, cùng với đó là những lo ngại về doanh số bán vé. Tuy nhiên, sự gia tăng của các hoạt động trong khi Thế vận hội diễn ra đã bù đắp được phần lớn cho sự thiếu hụt về nhu cầu lúc trước. Vương quốc Anh cũng đã ghi nhận sự bùng nổ của du lịch vào năm 2013 sau đó.
Các hãng hàng không Delta và Air France-KLM đã đưa ra các cảnh báo về những ảnh hưởng tới doanh thu khi khách du lịch thường đến Paris vào mùa hè sẽ đổi hướng tới địa điểm khác vì sự kiện Olympic được tổ chức.
Trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, tập đoàn khách sạn Accor, một nhà tài trợ cho Thế vận hội, dự kiến doanh thu từ Olympic Paris 2024 sẽ tăng khiêm tốn 2-3% trong năm nay, tuy nhiên công ty này đang trông chờ vào hiệu ứng Olympic dài hạn. Ông Patrick Mendes, giám đốc điều hành châu Âu của Accor, cho biết: "Tôi đã nói với nhân viên của mình rằng đây là cơ hội mà chúng ta có thể sẽ thấy được trong dài hạn.”
Theo công ty tư vấn Lighthouse, tỷ lệ lấp đầy hiện đã gần 76 phần trăm, tăng 3 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá phòng được quảng cáo đã giảm khoảng 44 phần trăm so với mức đỉnh đạt được cách đây khoảng một năm. Điều này đã làm tiêu tan hy vọng của các chủ khách sạn về mức lợi nhuận hấp dẫn hơn khi sự kiện thể thao toàn cầu diễn ra.
Tại quán cà phê Deux Palais trong khu vực bị phong tỏa, số lượng khách hàng tới ăn trưa vào giữa tuần chỉ có vỏn vẹn khoảng mười người. Đồng thời, những nhân viên phục vụ bàn thường ngày đáng lẽ sẽ bận rộn thì giờ đây lại đứng trò chuyện bên cạnh quầy bar. Anh Houlier cho biết quản lý nhà hàng đã cho một số nhân viên nghỉ tuần này, nhưng có kế hoạch đưa họ trở lại làm việc vào tuần tới khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được nới lỏng.
Ngay cả bên ngoài khu vực phong tỏa, các hoạt động kinh doanh vẫn trì trệ. Ở quận phía bắc Montmartre, mặc dù vẫn có khách du lịch đến thăm Vương cung thánh đường Sacré-Coeur, nhưng số lượng đã giảm đáng kể. Anh Ahmed Alim, người quản lý một gian hàng bán bưu thiếp và đồ lưu niệm, cho biết doanh số bán hàng vẫn ổn định nhưng lượng khách hàng của anh đã ít hơn khoảng một phần ba so với bình thường.
Ông Cohen-Hadad cho biết: "Về lâu dài, đây sẽ là một thành công nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp. Hàng triệu người xem truyền hình sẽ nhìn thấy Paris và điều đó sẽ bù đắp cho những khoảng thời gian ảm đạm này… Nhưng xét về ngắn hạn, chúng ta có thể sẽ chưa chứng kiến được sự bùng nổ về kinh tế".
Lân Nguyễn (t/h)