Trước đây, cây tràm truyền thống chủ yếu được trồng theo hình thức quảng canh trên đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích rừng đã chuyển sang trồng thâm canh kê liếp với các giống cây như tràm bản địa, tràm Úc, và keo lai. Phương pháp kê liếp này giúp rút ngắn chu kỳ khai thác, từ 6-10 năm xuống còn khoảng 4-5 năm, đồng thời nâng cao trữ lượng gỗ thu hoạch.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, chia sẻ: “Công ty hiện quản lý hơn 22.000 ha rừng sản xuất theo ba hình thức: quốc doanh trực tiếp sản xuất, giao khoán hộ gia đình, và hợp tác đầu tư. Chúng tôi đã chuyển từ trồng rừng quảng canh truyền thống sang trồng rừng thâm canh để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Qua thời gian, mô hình này đã chứng minh hiệu quả, nâng cao đời sống các hộ nhận khoán đất rừng. Việc chuyển đổi từ cây tràm bản địa sang keo lai đã gia tăng giá trị kinh tế gấp 3-4 lần trên mỗi đơn vị diện tích".
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, khẳng định: “Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng và kết nối hiệu quả với các đơn vị thu mua, kinh tế rừng ở U Minh đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Kinh tế rừng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao đời sống người dân trên đất lâm phần".
Đảng bộ huyện U Minh hiện đang đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng hộ dân. Đồng thời, huyện cũng tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và tỉnh để hoàn thiện hệ thống đê bao bảo vệ rừng, kết hợp phát triển các khu du lịch sinh thái, tiếp tục phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch trong tương lai.
Mỹ Anh (Theo CMO)