Anh Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước là một nông dân chính gốc miền Tây, gắn bó với đồng áng và vun tôm càng xanh đến nay đã được nhiều vụ mùa. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng khoảng đất trống còn lại trồng thêm nhiều loại rau màu khác; trong đó dưa hấu chiếm diện tích rộng nhất.
Với kinh nghiệm thâm niên trong gieo trồng, anh Toàn đã thử nghiệm phân bón hữu cơ ủ từ cá tươi cho cây dưa hấu và thu được năng suất cao. Theo chia sẻ từ anh Toàn, mỗi năm, anh sản xuất được 3 vụ, mỗi vụ mất 2.5 tháng; sản phẩm thu hoạch chủ yếu cung ứng cho các hộ bà con nông dân trong vùng, thế nên anh luôn chú trọng đến chất lượng an toàn, tốt cho sức khỏe cho mọi người sử dụng. Anh khẳng định thêm, khâu chăm sóc và bón phân cho cây được anh chú trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, sử dụng các biện pháp chăm sóc theo hướng thuận tự nhiên. Phương pháp này vừa giúp cho sản phẩm cây trồng đảm bảo chất lượng an toàn, vừa giúp cho môi trường được bảo vệ.
Là một nông dân nuôi trồng cần mẫn và quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, anh Toàn luôn nghiên cứu lựa chọn các giống có nguồn gốc sạch, đảm bảo các tiêu chí nông nghiệp, để cho ra những thành quả như mong đợi phục vụ cho tiêu dùng của bà con trong vùng; đồng thời cách lựa chọn này cũng mang lại những ưu điểm tối ưu cho môi trường đất, giúp đất giữ được độ tơi, xốp, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo được tính tự nhiên, an toàn. Việc sử dụng phương pháp canh tác bằng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ giúp bảo vệ được sức khỏe người lao động do hạn chế tiếp xúc các nguồn phân thuốc hóa học độc hại. Từ đó các sản phẩm gia nhập vào thị trường cũng có giá trị và vị thế, giá bán nông sản cũng cao hơn so với phương pháp trồng trọt thông thường.
Bà Phạm Thị Út (56 tuổi, ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) cũng quan tâm và sử dụng phương pháp canh tác này cho việc gieo trồng trên diện tích đất quanh nhà các loại cây như: dưa leo, cải trắng, cà tím, rau các loại… Ban đầu, bà chỉ trồng phục vụ cho gia đình sử dụng. Tuy nhiên, nhận thấy giá trị các sản phẩm cho tiêu dùng, bà đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng trọt, tạo môi trường kinh doanh hộ gia đình, cung ứng sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Bởi nguồn nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng nên bà Út được nhà nhà ủng hộ và tin dùng sản phẩm gieo trồng. Bà Út chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ có sẵn như phân gà, cá để ủ thành phân sinh học; điều này vừa giúp bà sản xuất an toàn, vừa tiết kiệm chi phí mua các loại phân, thuốc hóa học. Mỗi năm, bà Út thu được lãi khoảng 70 – 80 triệu đồng – một con số mơ ước của nhà nông; nhờ vậy mà kinh tế gia đình ổn định, bà Út trang trải được các khoản chi tiêu cho sinh hoạt, đời sống hàng ngày. Trong tương lai, bà dự định sẽ mở rộng canh tác diện tích rau màu, tạo ra giá trị đáng kể cho bản thân, gia đình bà nói riêng và xã hội nói chung.
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, chị Phan Mỹ Til cho hay, nhiều hộ dân có sự thay đổi phương pháp canh tác nông nghiệp phần lớn nhờ địa phương đã nỗ lực tuyên truyền sâu rộng đến quý bà con; khuyến khích người dân tận dụng sử dụng nguồn hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; điều này mang lại giá trị hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo ra những lợi ích đáng kể cho môi trường, đảm bảo sức khỏe con người và hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, địa phương còn sáng tạo mô hình thi đua gắn với phương pháp canh tác mới này để thu hút sự tham gia, đẩy mạnh tiến độ thực hiện nhằm cụ thể hóa hiệu quả to lớn của phương pháp này.
Thúy Quyên