Tham dự Lễ khởi công có Thượng tướng Võ Minh Lương - Uỷ viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan; Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
![]() |
Tham dự Lễ khởi công có Thượng tướng Võ Minh Lương - Uỷ viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (người ngoài cùng bên trái), Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel (người thứ hai từ trái sang). |
![]() |
Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được tham quan các mô hình công nghệ của Viettel. |
Trung tâm dữ liệu (TTDL) và nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel sẽ là TTDL đầu tiên của Việt Nam đạt công suất trên 100MW, có quy mô siêu lớn, tương đương với các TTDL lớn trên thế giới và thuộc Top 10 khu vực Đông Nam Á. Công trình đánh dấu một bước tiến của hạ tầng dữ liệu Việt Nam, được khởi công trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025).
Dự án được triển khai trên diện tích gần 4 hecta, tổng công suất thiết kế lên tới 140 MW điện với khoảng 10.000 rack. TTDL Tân Phú Trung được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế Uptime Tier III, có mật độ công suất trung bình 10kW/rack, cao gấp 2,5 lần mức trung bình tại Việt Nam. Công suất rack cao nhất lên tới 60 kW, đáp ứng nhu cầu tính toán hiệu năng cao của các mô hình và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quy mô lớn.
![]() |
Dự án được triển khai trên diện tích gần 4 hecta, tổng công suất thiết kế lên tới 140 MW điện với khoảng 10.000 rack. (Ảnh: Viettel) |
Để đạt được mật độ công suất cao này, TTDL Tân Phú Trung áp dụng các công nghệ làm mát tiên tiến, hệ thống quản lý thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo "made by Viettel". Với việc ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu tiên tiến và vận hành hiệu quả, TTDL dự kiến đạt chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE) dưới 1.4.
Đây sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Tập đoàn Viettel mà còn đối với định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá: “Có thể nói, dự án Trung tâm dịch vụ lưu trữ dữ liệu kết hợp nghiên cứu phát triển công nghệ cao do Tập đoàn Viettel làm chủ đầu tư, được đặt tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, là một công trình có quy mô thuộc nhóm lớn nhất khu vực. Trung tâm được thiết kế với công suất lên đến 140MW, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 1 trong quý I năm 2026. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang phấn khởi tổ chức các hoạt động chào mừng, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Thành phố đang tích cực, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh vai trò then chốt của hạ tầng số và hệ sinh thái dữ liệu đối với tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.”
![]() |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi lễ. |
Ông cũng cho rằng, việc đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quy mô siêu cấp tại Củ Chi không chỉ mang ý nghĩa chiến lược đối với Viettel mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho Thành phố trong phát triển hạ tầng số, xây dựng đô thị thông minh và chính quyền số. Trung tâm này sẽ thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, mạng 5G, điện toán đám mây, IoT, Blockchain, an ninh mạng và Big Data. Đồng thời góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số và tạo ra việc làm giá trị cao phục vụ phát triển kinh tế số - xã hội số của Thành phố.
Theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh đặt ra đến năm 2030 trở thành là một trong các trung tâm công nghệ số của Việt Nam; thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu; nhóm 3 tỉnh, thành phố đứng đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh, phát triển chính quyền số và rất nhiều mục tiêu quan trọng khác.
![]() |
Lễ khởi công Trung tâm dữ liệu và nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel. |
Là doanh nghiệp đầu tiên và lớn nhất Việt Nam về cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu từ năm 2007, Tập đoàn Viettel đã chủ động đầu tư hạ tầng tính toán trải rộng tại các khu vực kinh tế trọng điểm, tạo thành mạng lưới xử lý dữ liệu đa vùng - đa trung tâm, hoạt động liên tục và an toàn. Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, với Viettel, Trung tâm dữ liệu không đơn thuần là những công trình kỹ thuật lưu trữ tài nguyên - mà là nền móng của chủ quyền số, là hạ tầng số - nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Với dự án Tân Phú Trung, Viettel muốn khẳng định chiến lược chuyển dịch từ trung tâm dữ liệu truyền thống sang thế hệ trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn, sẵn sàng phục vụ các siêu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các hệ thống phân tích dữ liệu lớn, và nền tảng điện toán đám mây cấp quốc gia.
![]() |
Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel. |
Thiếu tướng Tào Đức Thắng cũng nhấn mạnh, chiến lược phát triển hạ tầng số của Viettel luôn gắn với các nguyên tắc xuyên suốt: Tự chủ công nghệ; Phát triển bền vững và Phục vụ toàn cầu.
"Trung tâm Dữ liệu quy mô siêu lớn tại Tân Phú Trung không phải là một công trình đơn lẻ. Đây là một mảnh ghép có tầm quan trọng chiến lược trong bức tranh tổng thể về hạ tầng số mà Viettel đang tiếp tục tạo dựng – một hệ sinh thái mà trong đó, dữ liệu được lưu trữ, truyền dẫn, xử lý và bảo vệ một cách an toàn nhất. Những mảnh ghép hạ tầng số Viettel bao gồm 15 trung tâm dữ liệu đang hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành 20.000 trạm phát sóng 5G, đảm bảo phủ 95% khu vực trung tâm dân cư đô thị trên cả nước. Hạ tầng kết nối tốc độ vượt trội cùng hạ tầng tính toán siêu quy mô sẵn sàng cung cấp dịch vụ toàn diện cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ.” - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ.
![]() |
Trung tâm dữ liệu quy mô siêu cấp tại Củ Chi không chỉ mang ý nghĩa chiến lược đối với Viettel mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho Thành phố trong phát triển hạ tầng số... |
Thiếu tướng Tào Đức Thắng cũng đặc biệt khẳng định và đưa ra lời cam kết: “Trung tâm Dữ liệu và Nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel là công trình danh dự của Viettel - đại diện cho tinh thần đổi mới, tự chủ và phụng sự của người lính trong thời bình. Ngay sau lễ khởi công hôm nay, Tập đoàn Viettel cam kết sẽ triển khai dự án với quyết tâm lớn nhất, tốc độ nhanh nhất, kỷ luật nghiêm ngặt nhất và chất lượng kỹ thuật cao nhất - trên tinh thần “mỗi ngày làm việc là một bước tiến về phía tương lai”. Mục tiêu là đưa vào vận hành toàn bộ khối công trình giai đoạn I trong Quý đầu tiên của năm 2026 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trước năm 2030 để trở thành trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn - thông minh - xanh - an toàn kiểu mẫu tại Việt Nam”.
![]() |
Các lãnh đạo chụp ảnh kỷ niệm tại sự kiện. |
Dự án Trung tâm Dữ liệu và Nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel tại Tân Phú Trung sau khi hoàn thành sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hạ tầng dữ liệu tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những trung tâm dữ liệu đầu tiên sẵn sàng cho “thế hệ rack AI” công suất siêu cao và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn toàn cầu. Toàn bộ trung tâm sẽ được vận hành bởi AI do Viettel làm chủ, xử lý hàng triệu điểm giám sát trong thời gian thực, tự học và tự tối ưu. Đặc biệt, toàn bộ giải pháp bảo mật, giám sát và điều phối an ninh số đều do Viettel tự phát triển, đảm bảo chủ quyền tuyệt đối về công nghệ - không phụ thuộc vào bên thứ ba. |