Điều kiện để nhà chung cư được phép mua bán
Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Điều 118 Luật Nhà ở 2014 quy định điều kiện để nhà chung cư được phép bán bao gồm: Có giấy chứng nhận; không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn; không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật; không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Điều kiện để người dân được phép mua bán chung cư
Điều 119 Luật Nhà ở 2014 quy định chi tiết về điều kiện của các bên khi tham gia giao dịch về nhà ở. Theo đó, để được phép mua bán chung cư, các bên liên quan phải đáp ứng điều kiện được phép giao dịch nhà ở.
Đối với bên bán: Phải là chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện việc mua bán chung cư.
Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.
Đối với bên mua: Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà chung cư.
Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc thường trú tại nơi có chung cư.
Nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập.
Nếu là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu được ủy quyền quản lý thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam.
Bốn lưu ý để tránh rủi ro khi mua bán căn hộ chung cư
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã phát đi thông báo một số lưu ý đối với người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng theo mẫu trong lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin, Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”.
Trong lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư, hợp đồng theo mẫu chính là các hợp đồng mua bán do bên bán soạn thảo để bán căn hộ chung cư cho khách hàng, được thể hiện với nhiều tên gọi khác nhau như: Hợp đồng mua bán căn hộ/căn hộ chung cư; hợp đồng mua bán nhà ở/căn hộ hình thành trong tương lai; hợp đồng mua bán căn hộ/nhà ở có sẵn…
Cần nhấn mạnh rằng, về bố cục, các thông tin riêng biệt đối với từng giao dịch cụ thể như thông tin pháp lý của bên bán - bên mua; thông tin đặc điểm pháp lý, các thông số cấu thành giá trị căn hộ, giá bán… được quy định trực tiếp tại các điều khoản hợp đồng hoặc được tách thành một phụ lục riêng.
Đáng chú ý, đối với bản nội quy quản lý vận hành nhà chung cư, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nội quy này được đính kèm và là một phần không tách rời của hợp đồng mua bán căn hộ.
Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền. Vì vậy, tùy theo phạm vi áp dụng, bên bán cần thực hiện và hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương trước khi ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng.
Cùng với đó, còn có yêu cầu về hình thức và nội dung của hợp đồng phải tuân thủ các quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để tránh rủi ro phát sinh từ việc ký các hợp đồng mua bán soạn sẵn khi ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra 04 lưu ý đối với người tiêu dùng, cụ thể:
Một là: kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện bán căn hộ của chủ đầu tư (ví dụ: Đối với căn hộ hình thành trong tương lai, cần có văn bản của Sở Xây dựng về việc bán căn hộ hình thành trong tương lai và hợp đồng bảo lãnh của Ngân hàng đủ điều kiện).
Hai là: kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký của các chủ đầu tư tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương nơi đặt dự án bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc tra cứu trên trang thông tin điện tử của các cơ quan này.
Ba là: so sánh mẫu hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền thông qua với mẫu hợp đồng do Công ty cung cấp để yêu cầu Bên bán áp dụng đúng mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua trong trường hợp có sự khác biệt.
Bốn là: nghiên cứu kỹ các nội dung được Công ty chú thích và cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo tại các phần để trống trong hợp đồng được thông qua, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao kết nếu nội dung trong hợp đồng dự định ký kết bất lợi hơn những nội dung được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo.
Trường hợp có thông tin liên quan cần được hướng dẫn, đề nghị liên hệ: Phòng Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số điện thoại: 024 22206058.
Trần Linh