Bối cảnh kinh tế thế giới và triển vọng sẽ tác động như thế nào đối với ngành ngân hàng Việt Nam

00:02 15/07/2023

Tình hình kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2023 đã cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế thế giới trong năm 2023 và năm 2024 có thể tác động của kinh tế thế giới và trong nước lên ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

Đầu năm 2023 xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới có thể “hạ cánh mềm” – với lạm phát giảm và tăng trưởng ổn định. Những dấu hiệu này đã nhạt đi khi lạm phát vẫn cao một cách dai dẳng và đã có những biến động tài chính gần đây. Mặc dù lạm phát đã giảm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và giá thực phẩm, năng lượng giảm, nhưng áp lực giá cả vẫn lớn, với tình trạng thị trường lao động thắt chặt ở một số nền kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Những tác động phụ từ sự tăng nhanh lãi suất chính sách đang trở nên rõ rệt, làm lộ rõ những khiếm khuyết của ngành ngân hàng, và lo ngại về sự lây lan đã gia tăng rộng ra toàn bộ ngành tài chính. Cơ quan chức năng các nước đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ổn định hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh sự thay đổi tâm lý nhà đầu tư có thể làm biến động mạnh môi trường tài chính.

Các yếu tố chính định hình nên nền kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục tồn tại trong năm 2023, nhưng với cường độ khác.

Mức nợ vẫn cao đã hạn chế khả năng của các nhà hoạch định chính sách tài khóa đối phó với những thách thức mới. Giá hàng hóa tăng mạnh sau khi xung đột Nga- Ukraine đã ổn định trở lại, nhưng căng thẳng địa chính trị dâng cao. Các biến thể Covid-19 gây ra đợt bùng phát rộng rãi vào năm ngoái, nhưng các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt là Trung Quốc, đang phục hồi, giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, dù giá thực phẩm, năng lượng thấp hơn và có sự cải thiện trong hoạt động chuỗi cung ứng, rủi ro cho nền kinh tế thế giới đi xuống vẫn là chủ đạo với sự bất trắc gia tăng từ các biến động tài chính vừa qua.

Với giả định rằng áp lực tài chính gần đây được kiềm chế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,4% vào năm 2022 xuống còn 2,8% vào năm 2023, trước khi tăng dần lên và ổn định quanh mức 3% trong năm năm tới. Đây là mức dự báo tăng trưởng trung hạn thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể, từ 2,7% vào năm 2022 xuống còn 1,3% vào năm 2023. Nếu tình trạng căng thẳng tài chính tiếp tục, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống khoảng 2,5% vào năm 2023 – mức yếu nhất kể từ suy thoái toàn cầu năm 2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 (trừ năm 2020 khi dịch Covid-19 mới bùng nổ).

Những khó khăn có thể tiếp tục tồn tại trong nửa cuối năm nay và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ khác nhau tùy vào khả năng huy động vốn và khẩu vị rủi ro của mình. Dẫu vậy, các yếu tố cơ bản và triển vọng kinh doanh trong dài hạn hơn cho ngành vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là tích cực.

IMF cho biết, triển vọng tăng trưởng chậm này phản ánh sự thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, cũng như hậu quả của các điều kiện tài chính xấu đi gần đây, và cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine cùng sự phân tách hoạt động kinh tế theo biên giới địa chính trị. Lạm phát toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm từ 8,7% vào năm 2022 xuống còn 7% vào năm 2023 nhờ giá hàng hóa giảm, nhưng lạm phát lõi được dự báo giảm chậm hơn. Lạm phát chắc chắn khó có thể giảm về mức mục tiêu trước năm 2025 ở hầu hết các nước. Khi lạm phát trở về mức mục tiêu, lãi suất có thể sẽ được giảm về mức trước đại dịch.

IMF nhận định rằng, rủi ro cho triển vọng của kinh tế thế giới nghiêng về hướng tiêu cực hơn, với khả năng hạ cánh cứng tăng lên mạnh. Tình trạng căng thẳng trong ngành tài chính có thể sẽ gia tăng và sự lây lan có thể diễn ra, làm yếu đi nền kinh tế thực bởi sự suy yếu đáng kể trong các điều kiện tài chính và buộc các ngân hàng trung ương phải xem xét lại đường hướng chính sách của mình.

Tình trạng khó khăn về nợ công có thể lan rộng và trở nên có tính hệ thống hơn, trong bối cảnh chi phí vay cao và tăng trưởng thấp hơn. Cuộc chiến ở Ukraine có thể khốc liệt hơn và dẫn đến các đợt tăng giá thực phẩm, năng lượng, và đẩy lạm phát lên. Lạm phát lõi có thể trở nên dai dẳng hơn dự kiến, đòi hỏi việc siết chặt tiền tệ hơn để kiềm chế. Sự phân tách hoạt động kinh tế theo khối địa chính trị có khả năng gây ra tổn thất sản lượng lớn, gồm thông qua tác động của nó lên đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bối cảnh và triển vọng kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng theo xu hướng giảm tốc trên toàn cầu, giảm còn 3,3% trong quí 1-2023 và còn 4,14% trong quí 2-2023 so với cùng kỳ phản ánh tác động từ sự suy yếu của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu khi nhu cầu thế giới suy giảm. Đây là một bước hụt lớn nếu so với tốc độ tăng trưởng GDP 8% cho cả năm 2022 – giai đoạn phục hồi mạnh mẽ từ sự gián đoạn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trong nửa cuối năm 2021.

Sau khi tăng 10,6% trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam cũng đã giảm 11,9% trong quí 1-2023 (giảm 11,6% trong năm tháng đầu năm 2023) do tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 42% (với Mỹ chiếm hơn 29%) tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 7,8% trong năm 2022, với sản lượng ngành chế biến, chế tạo tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành chế biến, chế tạo đã giảm tốc vào đầu năm 2023, với sản xuất công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ trong năm tháng đầu năm 2023.

Chỉ số mua hàng sản xuất S&P Global (PMI) của Việt Nam đã giảm xuống 45,3 vào tháng 5-2023, giảm so với mức 51,2 vào tháng 2 và dưới mức trung lập 50 lần thứ tư trong năm tháng gần nhất. Sự suy giảm dưới mức trung lập liên tiếp kể từ tháng 2 cho thấy điều kiện kinh doanh đã suy yếu đáng kể.

Cuộc khảo sát PMI tháng 5-2023 cũng cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn lớn, tuy đã giảm trong quí 1-2023 nhờ giá nguyên liệu tăng với tốc độ chậm hơn và các doanh nghiệp muốn định giá cạnh tranh hơn để kích thích nhu cầu.

Lạm phát thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm tháng đầu năm 2023 đã tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 4,83%, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Với các điều kiện kinh tế trong và ngoài nước kém lạc quan hơn, IMF trong báo cáo mới nhất xuất bản hồi tháng 5 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2023 xuống còn 5,8%, trước khi tăng tốc lên 6,9% vào năm 2024.

Cũng theo IMF, lạm phát dự kiến cho năm nay sẽ tăng lên 5% so với 3,2% năm 2022, và giảm nhẹ xuống 4,3% năm 2024. Bối cảnh của dự báo này có thể là sự tăng lên về giá điện và tiền lương trong khu vực nhà nước.

Tác động lên ngành ngân hàng Việt Nam

Sự kết hợp của các yếu tố nội và ngoại vi đã góp phần làm gia tăng bất trắc và bất ổn trong ngành tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Lạm phát và lãi suất tăng trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất chính sách lên 200 điểm cơ bản trong hai bước tăng 100 điểm cơ bản vào tháng 9 và tháng 10-2022.

Lãi suất tăng mạnh đã làm tăng chi phí vốn của ngân hàng, dẫn đến tăng chi phí vay cho cá nhân và doanh nghiệp. Sự cố rút vốn tại SCB vào tháng 10-2022 đã làm ảnh hưởng lòng tin trong ngành ngân hàng và thị trường vốn. Những yếu tố này đã làm tăng mức định giá rủi ro, và nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất cao hơn cho các khoản đầu tư của mình, thể hiện qua sự sụt giảm giá cổ phiếu (giảm 32,8% năm 2022), tăng lợi suất trái phiếu chính phủ (tăng 324 điểm cơ bản năm 2022), và tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Ngành bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng lãi suất và đang phải đối mặt với sự gia tăng về áp lực thanh khoản – một phần là do hậu quả của việc các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý các giao dịch trái quy định trên thị trường trái phiếu liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản.

Những rủi ro trong ngành bất động sản đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tình hình hoạt động của ngân hàng tại Việt Nam (với ước tính dư nợ cho vay bất động sản phi nhà ở chiếm hơn 12% trong tổng tài sản cho vay). Các ngân hàng nhỏ đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều hơn từ việc thắt chặt thanh khoản.

Để hỗ trợ thanh khoản trên nền tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc nhanh, NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất chính sách bốn lần kể từ ngày 15-3-2023 đến nay. Nới lỏng tiền tệ và nỗ lực phối hợp trong toàn bộ hệ thống chính quyền để khai thông tín dụng đã góp phần ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ trong cả hai lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.

Nhìn chung, rủi ro về tiếp cận vốn ngân hàng đã giảm đi. Tình hình thanh khoản và lãi suất trong hệ thống ngân hàng đã được nới lỏng trong những tuần gần đây, mặc dù tăng trưởng cho vay vẫn tương đối chậm và ở mức thấp nhất trong thập kỷ trong tháng 4-2023. Sự chênh lệch hẹp giữa lãi suất thị trường tiền đồng và đô la Mỹ tiếp tục hạn chế khả năng của NHNN trong việc giảm chi phí huy động vốn của ngân hàng thêm nữa, dẫn đến làm sụt giảm lợi nhuận lãi suất ròng (NIM) – đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ hơn.

Áp lực từ công luận lên việc giảm lãi suất cho vay cũng có thể làm giảm biên lợi nhuận từ cho vay, nhưng mức độ suy giảm này xem ra không đáng kể, căn cứ vào tốc độ giảm lãi suất cho vay, theo công bố của các ngân hàng, khá chậm chạp và miễn cưỡng. Nhờ đó, các ngân hàng vẫn có khả năng duy trì được lợi nhuận trước dự phòng ở mức khả quan.

Tuy vậy, thanh khoản có thể chỉ trở lại bình thường dần dần trong vài quí tới khi những biến động tiền tệ, tài chính toàn cầu giảm đi, đồng hành với sự hạ nhiệt dần của lạm phát và lãi suất thế giới. Các ngân hàng nhỏ hơn với khả năng huy động vốn yếu hơn sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực về huy động vốn và giảm mạnh biên lợi nhuận từ cho vay, trong khi những ngân hàng theo đuổi tăng trưởng tín dụng cao trong quá khứ sẽ phải đối mặt với rủi ro tăng cao về nợ xấu.

Những khó khăn trên có thể tiếp tục tồn tại trong nửa cuối năm nay và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ khác nhau tùy vào khả năng huy động vốn và khẩu vị rủi ro của mình. Dẫu vậy, các yếu tố cơ bản và triển vọng kinh doanh trong dài hạn hơn cho ngành vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là tích cực.

Theo kinh tế sài gòn Online

Tags: