Bài liên quan |
Chính phủ Mỹ thu hồi giấy phép xuất khẩu chip cho gã khổng lồ Huawei |
Tổng cục Thuế: Xem xét thu hồi giấy phép cửa hàng xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử |
Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Dự thảo lần này đề xuất nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm nói chung, đặc biệt là thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tổ chức, cá nhân đăng ký công bố hoặc tự công bố sản phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, việc triển khai cơ chế thông thoáng trong tiền kiểm và đẩy mạnh hậu kiểm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã góp phần giúp thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ với sự cạnh tranh lớn. Thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay cho thấy thị trường thực phẩm có hơn 84.000 sản phẩm thực phẩm thông thường, 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có 29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt và 23.133 thực phẩm bổ sung.
Đáng chú ý, 80,4% trong số này là sản phẩm sản xuất trong nước bởi 201 cơ sở sản xuất. Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng thực phẩm chủ yếu tập trung vào kiểm soát các chỉ tiêu an toàn, bao gồm chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng, cũng như kiểm nghiệm để ngăn ngừa việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm.
![]() |
Bộ Y tế: Thu hồi Giấy tiếp nhận công bố với sản phẩm 3 năm không sản xuất, kinh doanh |
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thực phẩm với sự đa dạng về chủng loại và sự xuất hiện của các hình thức kinh doanh mới trên nền tảng thương mại điện tử, việc tăng cường hậu kiểm trở nên cần thiết nhằm kiểm soát toàn diện chất lượng sản phẩm.
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quan trọng trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP, bao gồm việc kiểm soát tổ chức, cá nhân đăng ký công bố hoặc tự công bố sản phẩm, đồng thời quản lý chặt chẽ tính năng, công dụng của sản phẩm.
Theo đó, chỉ cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm mới được phép đứng tên trong hồ sơ công bố. Trong trường hợp khác, tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường phải có giấy ủy quyền hợp lệ từ cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm, tương tự như quy định trong lĩnh vực đăng ký thuốc và công bố mỹ phẩm.
Lý do của đề xuất này xuất phát từ thực tế rằng quy định hiện hành cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể công bố sản phẩm mà không cần chứng minh mối liên hệ với cơ sở sản xuất, khiến trách nhiệm của cơ sở sản xuất trở nên mơ hồ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ công bố. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã phát hiện việc giả mạo hồ sơ công bố sản phẩm hoặc cung cấp thông tin không trung thực.
Khi hậu kiểm, cơ quan quản lý phát hiện nhiều doanh nghiệp chỉ kinh doanh một số ít sản phẩm hoặc thậm chí không còn hoạt động, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc không tiếp tục công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý đối với các sản phẩm tự công bố nhưng không được sản xuất hoặc kinh doanh trong vòng ba năm kể từ ngày công bố.
Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất quy định về bộ hồ sơ thông tin sản phẩm, trong đó bao gồm phiếu kiểm nghiệm với các chỉ tiêu theo hồ sơ đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm, kèm theo phương pháp kiểm nghiệm. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường bắt buộc phải lưu trữ hồ sơ tại cơ sở để phục vụ công tác hậu kiểm và xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu. Nội dung bổ sung này không làm tăng hoạt động tiền kiểm, đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giữa sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu theo Hiệp định TBT/SPS. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh rằng quy định này không kéo dài thời gian hay gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu.
Một nội dung quan trọng khác là yêu cầu công bố lại sản phẩm trong trường hợp có thay đổi về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở sản xuất, xuất xứ, tên sản phẩm, thành phần, công dụng, đối tượng sử dụng, liều lượng, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn và phương pháp kiểm nghiệm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung quy định về việc thu hồi và dừng tiếp nhận Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi và thẩm quyền thực hiện.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, bao gồm điều kiện đối với cơ sở kiểm nghiệm, hồ sơ đăng ký chỉ định cơ sở kiểm nghiệm, trình tự, thủ tục chỉ định và các trường hợp thu hồi chỉ định. Những nội dung này nhằm đảm bảo chất lượng và tính chính xác của hoạt động kiểm nghiệm, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ.