Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: quochoi.vn)
Sáng ngày 12/11, tại buổi họp tổ Đoàn Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết khi trao đổi với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình về vụ tranh chấp giữa Grab và Vinasun, ông cho rằng nên tạm dừng vụ kiện lại, phải nghiên cứu thêm, nên thiên hướng về hoà giải.
Phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư được đưa ra trong bối cảnh vụ án dân sự Vinasun kiện Grab được Toà án nhân dân TP.HCM thụ lý tháng 6/2017, kéo dài 16 tháng với hai lần tạm ngừng, một lần tạm đình chỉ, một lần hoãn. Đáng chú ý, tại phiên toà mở lại lần thứ ba, sau 4 ngày xét xử, sau khi Viện Kiểm sát đọc ý kiến pháp lý thì toà tiếp tục ngừng một lần nữa vào đúng ngày dự kiến tuyên án.
Nghi ngại có dấu hiệu “chạy hậu trường”, Vinasun đã gửi đơn kêu cứu tới hàng loạt cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Tư pháp yêu cầu làm rõ “có hay không việc chỉ đạo vụ án?”. Nghi vấn đặt ra xung quanh việc tại sao một vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa 2 doanh nghiệp, giá trị tranh chấp bồi thường chỉ 41,2 tỷ nhưng lại mang tính chất hơn cả một vụ đại án khi đã được đưa ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cho ý kiến một lần vào tháng 3, và nay Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lại triệu tập thêm một lần vào ngày 28/10/2018, trước 1 ngày tuyên án để lại kéo dài đến 22/11/2018.
Trong đơn kêu cứu, Vinasun cho biết, phiên tòa sơ thẩm qua 4 ngày tranh tụng liên tục từ 17-23/10 đã làm rõ các nội dung vi phạm của Grab, mối quan hệ nhân quả và thiệt hại của Công ty Vinasun. Các luật sư của Vinasun và của Grab cũng đã tranh luận 3 vòng đến khi các bên không còn phát biểu gì nữa.
Trên cơ sở hồ sơ vụ án và thực tế tranh tụng, ngày 20/10/2018 Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đọc, phân tích kỹ các yếu tố trong nội dung tranh chấp giữa các bên, xác định rõ Công ty Grab kinh doanh taxi, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Tuy nhiên, ngày 29/10/2018, Hội đồng xét xử vụ án thay vì tuyên án đã quay lại phần xét hỏi, sau khi xét hỏi đã hội ý và ra quyết định tạm dừng phiên tòa đến 8g sáng ngày 22/11/2018 tiến hành giải quyết lại.
Cùng lúc, có nhiều thông tin Grab quyết liệt xử lý hành lang hậu trường vụ kiện bằng nhiều cách, tận dụng nhiều mối quan hệ cấp cao. Với tiềm lực kinh doanh lậu của Grab (hơn 2 tỷ đồng/ngày) hiện nay. Về phía Vinasun, thực lực chỉ còn hơn 4.000 đầu xe, chi phí kinh doanh cùng hàng ngàn người lao động phải gánh vác BHXH, BHYT,…
Doanh nghiệp này lo lắng cho biết mặc dù diễn biến phiên tòa có ưu thế về chứng cứ và phần tranh tụng, nhưng vẫn căng thẳng lo sợ, vì tuyên bố sẽ “thắng hậu trường” của Grab.
Cho ý kiến về phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, một thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết đây là một phát ngôn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Bộ trưởng với cộng đồng doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, nếu cơ quan tư pháp không xử lý các vi phạm pháp luật, để doanh nghiệp tự “đánh nhau” thì phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về “kẻ có tiền”.
Hơn nữa, điều này lại đặt ra trong bối cảnh thu ngân sách của TP.HCM giảm liên tiếp trong hai năm vừa qua, mà khối giảm mạnh nhất là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của kiểm toán nhà nước, năm 2018 ước tính thu NSNN từ khối doanh nghiệp FDI giảm 15,1%, khiến phát ngôn trên không khỏi gây bức xúc trong khối doanh nghiệp trong nước.
Được biết, Công ty TNHH Grab thành lập năm 2014 theo giấy đăng ký do Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp, có số vốn 20 tỷ đồng, nhưng tính đến hết năm 2017, đã báo lỗ 1.726 tỷ đồng. Theo kết luận của Bộ Tài chính, lỗ của Grab là do cước quá rẻ và khuyến mại, hỗ trợ lái xe quá lớn. Về nghĩa vụ nộp NSNN, trong kỳ kinh doanh 2014-2016, Grab tự khai báo nộp số tiền là 9,5 tỷ đồng, còn thuế Vinasun nộp trong cùng kỳ là hơn 1.200 tỷ đồng. Theo báo cáo của Thanh tra thuế, Grab hiện đang ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 1.656 tổ chức, hợp tác xã trên 6 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua thanh tra, hầu hết các hợp tác xã đều không kê khai thuế, kê khai thuế không đầy đủ doanh thu vận tải nhận được từ Grab. Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Cục thống kê TP.HCM, bắt đầu thời điểm triển khai dịch vụ Grab, doanh thu vận tải đường bộ tại Tp.HCM năm 2017 chỉ đạt 17.059 tỷ đồng, đã giảm 3623 tỷ đồng so với năm 2016. |
Tuệ San