Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sau 15 năm áp dụng, với trọng tâm là điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần và nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Theo báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính nhận định biểu thuế hiện hành với 7 bậc thuế có những bất cập như khoảng cách giữa các bậc quá hẹp, dẫn đến tình trạng nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập cả năm, làm tăng số thuế phải nộp một cách đột ngột. Đồng thời, số lượng người phải quyết toán thuế tăng không cần thiết, trong khi số thuế phải nộp thêm không đáng kể.
![]() |
Bộ Tài chính định hướng sửa biểu thuế lũy tiến tại Luật Thuế thu nhập cá nhân |
Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cải cách biểu thuế theo hướng đơn giản hóa. Indonesia hiện áp dụng 5 bậc thuế với mức thuế suất từ 5% đến 35%, Philippines cũng có 5 bậc thuế dao động từ 15% đến 35%. Malaysia gần đây đã giảm số bậc thuế từ 11 (năm 2021) xuống còn 9 bậc vào năm 2024.
Bộ Tài chính đề xuất Việt Nam có thể giảm số bậc thuế xuống dưới 7 bậc, đồng thời nới rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc để đảm bảo tính điều tiết hợp lý, tập trung vào nhóm thu nhập cao hơn. Việc này không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục kê khai, nộp thuế mà còn hạn chế những tác động không mong muốn của việc nhảy bậc thuế.
Cùng với điều chỉnh biểu thuế, nhiều bộ ngành và địa phương cũng kiến nghị nâng mức GTGC để phù hợp với sự thay đổi của mức sống và lạm phát. Hiện tại, mức GTGC đang áp dụng là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc, mức này được đánh giá là không còn phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.
Bộ Quốc phòng đề xuất tăng mức GTGC cho người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng. Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị điều chỉnh mức GTGC theo chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức lương cơ sở (tăng từ ngày 1/7/2024). Đồng thời, cơ quan này đề xuất xây dựng mức GTGC theo từng vùng để phù hợp với chính sách tiền lương hiện hành.
Việc cải cách biểu thuế và nâng mức GTGC không chỉ giúp giảm gánh nặng thuế đối với người lao động mà còn tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng, góp phần kích thích nền kinh tế. Đối với cơ quan thuế, việc giảm số bậc thuế sẽ giúp đơn giản hóa quy trình quyết toán, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách, đồng thời duy trì sự công bằng trong hệ thống thuế.