Báo cáo từ Bộ Tài chính và một số Sở Tài chính cho thấy, trên thị trường giá cả vào ngày mùng 1 Tết, không có sự biến động đáng kể do nhu cầu mua sắm vào ngày đầu năm không nhiều, người dân đã mua sắm và dự trữ đủ trước Tết. Tại các thành phố lớn, một số siêu thị và cửa hàng duy trì hoạt động xuyên suốt dịp Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, giúp nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ.
Dự báo các mặt hàng thiết yếu là giá cả tương đối ổn định do nhu cầu phát sinh không nhiều. Tuy nhiên, các dịch vụ như trông giữ xe, ăn uống và đồ dùng lễ thắp hương có thể tăng giá do nhu cầu đầu năm đi lễ của người dân và chi phí tăng thêm cho người lao động phục vụ trong thời gian nghỉ Tết.
Một số mặt hàng như nước giải khát có ga, bia và nước ngọt gần các điểm du lịch có thể tăng giá do nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, trước ngày 30 Tết, thị trường giá cả khá ổn định và sức mua giảm dần do một số người dân đã di chuyển về quê và mua sắm trước đó.
So với cùng kỳ năm trước, sức mua giảm hơn do người dân tiết kiệm chi tiêu, tập trung vào mua sắm các mặt hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm. Hoạt động mua sắm trước ngày 30 Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng phục vụ liên hoan tất niên và cúng Giao thừa như hoa quả, rau củ, thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, rượu bia và nước ngọt.
Các chợ truyền thống hoạt động đến trưa ngày 30 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, với giá cả ổn định. Tại các thành phố lớn, hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại tiếp tục là điểm đến được người tiêu dùng lựa chọn vì sự yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm cũng như về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả ổn định.
Để đảm bảo phục vụ mua sắm cho người dân, phần lớn các siêu thị mở cửa muộn vào tối ngày 30 Tết và một số kế hoạch mở cửa xuyên suốt dịp Tết. Tổng thể, nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá hoặc đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các thành phố lớn.
P.V (t/h)