Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã thông tin về hệ thống ưu đãi đầu tư hiện hành tại Việt Nam, được xây dựng dựa trên nguyên tắc nhà nước miễn và giảm nghĩa vụ tài chính đối với các chủ thể kinh doanh thuộc đối tượng khuyến khích đầu tư. Các ưu đãi này bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất, cũng như tăng mức chi phí được trừ và thời gian khấu trừ khi tính thuế.
Đối tượng được khuyến khích đầu tư bao gồm các ngành, nghề, địa bàn có chính sách khuyến khích đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao và các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn, doanh thu cao, sử dụng nhiều lao động và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Hình thức ưu đãi cụ thể bao gồm áp dụng các mức thuế suất ưu đãi cho thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền thuê đất và sử dụng đất trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, do việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) từ đầu năm 2024, các ưu đãi thuế hiện tại sẽ không còn hiệu quả, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư lớn, trong đó có các nhà đầu tư "đại bàng" đang đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Vấn đề này đặt ra một thách thức lớn về việc điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư trọng điểm. Đồng thời, mở rộng đầu tư của các dự án công nghệ cao, công nghệ lõi cũng có dấu hiệu tạm ngừng, khiến cho một số doanh nghiệp quyết định tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam.
Vì vậy, việc ban hành chính sách mới là cấp bách để đảm bảo tính ổn định và thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chính sách này cần được ban hành để có hiệu lực áp dụng trong năm tài chính 2024, nhằm giữ cho môi trường đầu tư kinh doanh ổn định và thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam: Ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Theo dự thảo, Quỹ Hỗ trợ đầu tư là quỹ tài chính nhà nước, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và hoạt động theo quy định tại Nghị định này. Theo đó, Quỹ hoạt động theo các quy định đặc thù tại Nghị định và các quy định khác có liên quan.
Quỹ hoạt động theo mô hình là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.
Nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; chịu trách nhiệm trong phạm vi hỗ trợ của mình; hỗ trợ đúng đối tượng đáp ứng điều kiện theo quy định.
Nhiệm vụ của Quỹ gồm: Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ, thực hiện chi hỗ trợ đầu tư đúng cho các đối tượng đáp ứng điều kiện và được hưởng hỗ trợ; Hỗ trợ Hội đồng xét duyệt lựa chọn tư vấn thẩm tra; và lập dự toán ngân sách, đề nghị bổ sung ngân sách (nếu cần), báo cáo quyết toán ngân sách.
Tiêu chí và điều kiện hỗ trợ theo dự thảo, đối tượng được xem xét hỗ trợ đầu tư bao gồm: Thứ nhất, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Thứ hai, doanh nghiệp công nghệ cao. Thứ ba, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao. Thứ tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển. Thứ năm, doanh nghiệp có dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm. Thứ sáu, doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt, tiên phong.
P.V (t/h)