Khó khăn gia tăng trong nửa cuối năm 2022

10:25 01/08/2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận áp lực và khó khăn với nền kinh tế trong những tháng cuối năm ngày càng gia tăng, đặc biệt từ tình hình lạm phát trên toàn cầu.

Cụ thể, trong kịch bản cơ sở, lạm phát toàn cầu có thể đạt đỉnh vào quý II hoặc III trước khi giảm dần và ổn định vào cuối năm sau. Giá năng lượng vẫn ở mức cao trong năm nay nhưng sẽ bắt đầu giảm từ năm sau, chuỗi cung ứng toàn cầu dần hồi phục và các điều chỉnh chính sách nhằm kiềm chế lạm phát của các quốc gia sẽ phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, lạm phát cũng có thể giữ đà tăng và đạt đỉnh vào đầu năm sau, tốc độ giảm chậm hơn trong năm 2024. Khi đó, giá dầu có thể đạt mức 150 USD/thùng. Còn theo một kịch bản khác, lạm phát sẽ giảm với tốc độ nhanh và sớm ổn định vào giữa năm 2023 nếu xung đột giữa Nga và Ukraine sớm kết thúc.

Khó khăn gia tăng trong nửa cuối năm 2022
Khó khăn gia tăng trong nửa cuối năm 2022.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát từ bên ngoài đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là nông nghiệp. Đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất công nghiệp cũng gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển leo thang.

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Mặt khác, sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công và hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng cũng dẫn đến chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 31/7 ước đạt chưa đầy 35% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Giữa lúc này, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản lại ở tình trạng dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều vướng mắc, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nói thêm, chất lượng dòng vốn FDI đến nay chưa được cải thiện, thiếu các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.

"Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá... trong trung và dài hạn", báo cáo của cơ quan này nêu rõ.

Xét trên bình diện chung, Việt Nam đang ở nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Hiện nay, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, còn mô hình tăng trưởng cũng chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

PV