Đề xuất thử nghiệm có kiểm soát sàn giao dịch tiền số tại các trung tâm tài chính |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại trung tâm tài chính.
Về hệ thống đăng ký thành viên trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đối tượng đăng ký trở thành thành viên trung tâm tài chính là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm... được phép thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính.
"Việc hình thành hệ thống đăng ký doanh nghiệp, thành viên là giải pháp phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự quản lý xuyên suốt về đối tượng áp dụng của các chính sách trong trung tâm tài chính và hiệu quả quản lý hoạt động của trung tâm tài chính nói chung. Đồng thời, chính sách này không bị hạn chế bởi các quy định về đăng ký doanh nghiệp tại luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan", Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Việc thành lập các trung tâm tài chính được xem là một bước đi quan trọng nhằm phát triển Việt Nam thành một điểm đến tài chính hàng đầu trong khu vực và thế giới.
Liên quan chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số).
Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp về phòng, chống rửa tiền; kiểm tra và chứng nhận bảo mật, an ninh mạng liên quan tới các loại tài sản số và tổ chức cung ứng dịch vụ này. Cách thức quản lý, phát hành, sở hữu và giao dịch các token tiện ích, "đào" tiền số cũng thuộc thẩm quyền Chính phủ. Việc này nhằm hạn chế rủi ro với an ninh năng lượng và môi trường.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm nay.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Thực tế, tiền số không bị cấm tại Việt Nam nhưng nhà điều hành chưa có quy định cụ thể và chưa coi chúng là một loại tài sản. Việc thiếu khung pháp lý cho tài sản này khiến nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch, theo giới chuyên môn.
Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam hồi tháng 8, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ. Dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD, theo báo cáo của tổ chức phân tích thị trường Chainalysis. |