Bài liên quan |
Bộ Công Thương ra Chỉ thị kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa |
Bộ Công Thương chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp "biến tướng" |
Trước bối cảnh Hoa Kỳ bất ngờ áp dụng chính sách thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ứng phó với những biến động tiêu cực.
Tại Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam” diễn ra ngày 17/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Các hiệp hội và doanh nghiệp cần nhanh chóng gửi các kiến nghị, đề xuất cụ thể bằng văn bản trước ngày 20/4. Đây là bước quan trọng để Bộ Công Thương tổng hợp, rà soát và xử lý trong phạm vi thẩm quyền, đồng thời phối hợp, chuyển tiếp tới các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng xem xét chỉ đạo.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn, chính sách thuế mới từ phía Hoa Kỳ đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, nông – thủy – hải sản. Việc tăng thuế khiến hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh, đối mặt nguy cơ sụt giảm đơn hàng, mất thị phần, và thậm chí bị gián đoạn chuỗi cung ứng.
Mặc dù nhóm hàng công nghệ cao (như điện thoại, máy tính và linh kiện) tạm thời được miễn trừ theo thông báo ngày 11/4 của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, nhưng theo giới chức Mỹ, đây chỉ là biện pháp tạm thời nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp chuyển sản xuất về nội địa. Điều này báo hiệu rằng nguy cơ siết chặt vẫn còn hiện hữu.
Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng kịp thời và quyết liệt. Ngày 12/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn, nhằm thương thảo với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại đối ứng. Với định hướng đảm bảo lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, Đoàn đàm phán được giao nhiệm vụ chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản, phương án thương lượng và xúc tiến đàm phán hiệu quả, bền vững.
Bộ Công Thương đã chủ động gửi công hàm chính thức đến Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đề nghị xác nhận đầu mối và lịch trình đàm phán. Cùng lúc, các bộ, ngành liên quan đang gấp rút xây dựng phương án hành động cụ thể để tạo thế chủ động trong đối thoại.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định rằng trong những ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã rất sát sao, chỉ đạo quyết liệt các hoạt động ngoại giao kinh tế và phối hợp liên ngành để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ hợp lý cho cả hai bên. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng khủng hoảng lần này tuy tạo ra nhiều áp lực, song cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách mô hình sản xuất – xuất khẩu, và nâng cao nội lực doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa điều này, Bộ trưởng đã gợi mở 9 nhóm nhiệm vụ cho các hiệp hội ngành hàng, 8 nhóm nhiệm vụ cho doanh nghiệp, và 5 nhóm giải pháp trọng tâm dành cho các bộ, ngành liên quan, trong đó chú trọng đến việc: Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp và hiệp hội; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, số hóa sản xuất; tối ưu hóa chi phí, nâng cao giá trị gia tăng; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, ngoại giao kinh tế.
Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, nỗ lực chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn tiến xa hơn trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững.