Ngày 15/4/2025, Bộ Công Thương chính thức ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế ngày càng gay gắt và khó lường. Đặc biệt, động thái áp dụng chính sách thuế quan đối ứng từ phía Hoa Kỳ đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã làm gia tăng nguy cơ căng thẳng thương mại, kéo theo các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa trở nên phổ biến và tinh vi hơn, nhằm né tránh các biện pháp phòng vệ từ nước nhập khẩu. Trước tình hình này, Chỉ thị 09 được ban hành như một biện pháp chủ động ứng phó, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa từ các đối tác thương mại và các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đây là một bước đi chiến lược nhằm hướng đến mục tiêu phát triển thương mại bền vững, đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác.
![]() |
Bộ Công Thương ra Chỉ thị kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa |
Theo Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc và đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Trước hết, Cục Xuất nhập khẩu được giao chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật liên quan đến xuất xứ hàng hóa, đảm bảo việc tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời, Cục cũng chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng như Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong việc tổ chức chuyển tiếp cấp các loại C/O như không ưu đãi, REX, CNM, đảm bảo quy trình thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục cũng tham mưu xây dựng chính sách tăng cường giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào, yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng và xuất xứ theo quy định nước nhập khẩu.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác của Cục Xuất nhập khẩu là tăng cường phối hợp với Tổng cục Hải quan trong công tác kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là các loại nguyên liệu nhập khẩu dùng trong sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi gian lận. Cục cũng sẽ tổ chức mạng lưới thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ việc xác minh xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ chỉ đạo các tổ chức cấp C/O nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xác định tiêu chí xuất xứ theo từng mặt hàng và trong trường hợp cần thiết sẽ đề xuất các biện pháp ngăn chặn chuyển tải bất hợp pháp, nhằm bảo vệ uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu còn được giao phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất giải pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp khi làm hồ sơ xin cấp C/O.
Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu để hoàn thiện khung pháp lý về cấp C/O, đồng thời cùng các cơ quan như Cục Phòng vệ thương mại và Tổng cục Hải quan giám sát, kiểm tra và xác minh xuất xứ hàng hóa nhằm kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp trong bối cảnh mới. Trong khi đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có trách nhiệm nâng cấp hệ thống eCoSys nhằm triển khai hiệu quả công tác cấp C/O không ưu đãi, đồng thời tích hợp thêm tính năng xử lý dữ liệu để phục vụ rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O. Việc số hóa dữ liệu cũng là một nhiệm vụ được ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Ở khía cạnh thị trường quốc tế, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài sẽ chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nghiên cứu và cập nhật các quy định về xuất xứ hàng hóa tại nước sở tại, hỗ trợ Cục Xuất nhập khẩu hoàn thiện hệ thống pháp lý trong nước. Vụ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, cung cấp kịp thời thông tin về chính sách nhập khẩu, phòng vệ thương mại của các nước để kịp thời có phản ứng phù hợp. Đồng thời, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước được giao tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh nguyên liệu nhập lậu hoặc hàng hóa không rõ xuất xứ phục vụ mục đích xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát thường xuyên để ngăn chặn vi phạm.
Cục Phòng vệ thương mại sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tăng cường chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ và gian lận xuất xứ. Trong khi đó, Vụ Chính sách thương mại đa biên sẽ giữ vai trò theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh với các đối tác FTA, đồng thời đề xuất các phương án xử lý đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong khuôn khổ các cam kết quốc tế. Văn phòng Bộ cùng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ được phân công, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa.
Cuối cùng, các tổ chức cấp C/O phải nâng cao trách nhiệm trong việc cấp, kiểm tra và xác minh thông tin C/O; đẩy mạnh phòng, chống gian lận xuất xứ thông qua việc kiểm tra kỹ hồ sơ đề nghị cấp, đặc biệt khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bất thường về số lượng hồ sơ tăng đột biến. Các tổ chức này cũng phải chủ động tổ chức kiểm tra tại cơ sở sản xuất trước và sau khi cấp C/O, đồng thời kịp thời báo cáo các vi phạm phát sinh để đề xuất biện pháp xử lý.
Với hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025, Chỉ thị 09/CT-BCT thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc chủ động, linh hoạt và kiên quyết ứng phó với các nguy cơ gian lận thương mại, hướng đến mục tiêu phát triển thương mại công bằng, minh bạch, phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.