Trong bối cảnh đó, cộng đồng thế giới và mỗi quốc gia hơn lúc nào hết đã dồn sự quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng xanh bền vững.
Nhằm duy trì kênh tương tác, trao đổi thiết thực giữa cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - EU trong đối thoại chính sách, thông tin thị trường, hỗ trợ kết nối kinh doanh, đầu tư, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU 2024.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện địa phương…
Đối thoại của các doanh nghiệp trong diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU. |
Tại diễn đàn đã cung cấp góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia về triển vọng thị trường, khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng với các đối tác EU, và cách ứng phó với các hàng rào phi thuế quan, phòng vệ thương mại, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp thích ứng với các quy định, chính sách mới; đồng thời gợi mở những hướng đi hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, phù hợp với xu thế hiện nay như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.
Trong phạm vi chủ đề của diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU 2024, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương trình bày góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước ngành Công Thương về các chính sách, định hướng về sản xuất bền vững và giảm phát thải của Việt Nam; nêu bật khả năng hợp tác với EU và khuyến nghị đối với doanh nghiệp.
| |
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU. |
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam - EU, đề nghị tới các doanh nghiệp tích cực đồng hành thông qua những hoạt động cụ thể như:
Hợp tác trong lĩnh vực tài chính xanh thông qua nâng cao năng lực cho các cơ quan, các tổ chức tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đổi mới chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững, triển khai thực hành bộ tiêu chuẩn EGS, áp dụng các mô hình bền vững trong các lĩnh vực tiềm năng như: dệt may, da giày, điện tử, đồ uống, thực phẩm, bao bì, nhựa, hoá chất…
Hợp tác liên kết nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - EU đối với các công nghệ, nguyên vật liệu, sản phẩm xanh; thúc đẩy chuỗi bền vững tuần hoàn thông qua hỗ trợ kết nối, liên kết giữa các nhà cung ứng, các doanh nghiệp, các nhãn hàng, khách hàng và các bên liên quan trong chuỗi.
Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: trao đổi, chuyển giao giải pháp, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực thi quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, quản lý và kiểm toán năng lượng; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng quy định và thực thi, kiểm tra tuân thủ về nhãn năng lượng đối với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường.
Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu trong khuôn khổ ngành Công Thương bao gồm:
Trao đổi chuyển giao giải pháp, công nghệ thu hồi - sử dụng lưu trữ carbon; chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ về tính toán dấu vết carbon, thị trường carbon; về công nghệ - kỹ thuật đo đạc, báo cáo thẩm định giảm phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính.
Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực từ quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách đến cấp kỹ thuật, doanh nghiệp…các chính sách, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các mô hình bền vững, ưu tiên các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả, sản xuất tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, kiểm toán và quản lý năng lượng, tín chỉ carbon, kiểm kê phát thải nhà kính ngành năng lượng, công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh: Giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã và đang là xu thế chủ đạo và diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam cùng Chính phủ và cơ quan ban ngành tích cực “nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”.