Theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ, đứng đầu về Chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (95,88%); tiếp theo là Bộ Tài chính (94,84%) và Bộ Tư pháp (94,02%). Chỉ số CCHC trung bình của 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019, đây cũng là Chỉ số trung bình đạt cao nhất trong 9 năm triển khai. Năm 2020 tiếp tục không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%.
Đối với kết quả Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC (91,04%), kế tiếp là TP.Hải Phòng (90,51%), tỉnh Thừa Thiên Huế (88,47%). Bình Dương xếp hạng thứ 4 trong cả nước, đứng đầu khu vực phía Nam, đạt 86,93%, tăng 13 bậc so với năm 2019. Trong đó, về điểm thẩm định, Bình Dương đạt 55,48; Chỉ số SIPAS 8,82; khảo sát lãnh đạo, quản lý 20,27; tác động đến phát triển kinh tế-xã hội 2,36.
Từ năm 2017 đến nay, Bình Dương được đánh giá là tỉnh có kết quả Chỉ số SIPAS tăng bền vững qua các năm (năm 2017: 79,58%; năm 2018: 85,03%; năm 2019: 88,05%), cho thấy ý kiến của người dân, tổ chức đã được tỉnh quan tâm lắng nghe và liên tục có những giải pháp quyết liệt để cải thiện. Đến nay, Bình Dương đã đạt được kết quả Chỉ số SIPAS theo mục tiêu của Chính phủ và tỉnh và sẽ không ngừng cải thiện để đạt những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.
Với phương châm cho giai đoạn tiếp theo "lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là nền tảng, động lực cho sự thay đổi và phát triển", đồng thời, thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025, Bình Dương sẽ lựa chọn thực hiện những giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn để có những giải pháp, sáng kiến đổi mới thực chất. Trong đó, tập trung đẩy mạnh số hóa quy trình, kết quả giải quyết TTHC nhằm tạo lập cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung cho các cấp chính quyền; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng thống nhất, đồng bộ và có tính hệ thống liên quan về TTHC của tỉnh, đẩy mạnh thực hiện TTHC trực tuyến; áp dụng nhiều phương pháp đo lường sự hài lòng qua nhiều hình thức khác nhau và tập trung các lĩnh vực có mức độ hài lòng chưa cao… để phù hợp với bối cảnh hiện nay và hướng đến Thành phố thông minh Bình Dương trên cơ sở nền tảng phát triển bền vững dựa trên mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá chung, Chỉ số CCHC năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với năm 2019 và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những giải pháp mới, đột phá và phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, tổ chức; thực hiện Chương trình CCHC giai đoạn 2021-2030 toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và chiều sâu, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động bộ máy hành chính nhà nước.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian đi lại và chi phí xã hội…
Hoàng Thu