Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong 7 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 7 tháng tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 18,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, với thặng dư thương mại đạt 5,4 tỷ USD, trở thành điểm sáng trong nền kinh tế của tỉnh.
Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ vào ngày 31/7, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đã chỉ ra thực trạng rằng hầu hết sản phẩm xuất khẩu của vùng chưa xây dựng được thương hiệu riêng và chủ yếu là xuất khẩu thô, qua trung gian hoặc gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Bà Duyên đề xuất, việc xây dựng thương hiệu chung cho các hàng hóa chủ lực của vùng Đông Nam Bộ, bao gồm gỗ, giày da, nông sản và các sản phẩm công nghệ, để nâng cao giá trị xuất khẩu và tạo động lực phát triển.
Bà Duyên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, và thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, IoT và trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ tạo ra một khung pháp lý và cơ hội phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, cũng như liên kết và hỗ trợ các địa phương trong khu vực.
Về hạ tầng logistics, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đang định hướng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành có giá trị gia tăng cao, kết nối dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa và xuất nhập khẩu, nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị của ngành dịch vụ này.
Vân Nguyễn