Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Trần Văn Sơn cho biết, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa thực sự vững chắc; môt số động lực tăng trưởng giảm. Lạm phát chịu nhiều sức ép. Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm giảm.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; thị trường nội địa chưa được khai thác hiệu quả. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm; hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...
Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh thời gian tới những khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi; Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lên bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Tập trung hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Thứ hai, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; kết hợp hài hòa, bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với tỉ giá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tình hình bên trong với thực tiễn bên ngoài.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất mặt bằng cho vay cả đối với các khoản nợ hiện hữu và vay mới. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; tận dụng tốt các dư địa còn khá lớn cho các mục tiêu phát triển; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Thứ tư, tiếp tục triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số… và chống thất thu thuế. Triệt để tiết kiệm chi, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách. Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp qua đó góp phần giữ ổn định và tạo việc làm, sinh kế cho người dân....
Thứ năm, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác và phát triển mạnh thị trường trong nước; thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Có các giải pháp về miễn giảm thuế phí. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư, đầu tư nước ngoài... Cương quyết tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Đẩy nhanh các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thứ sáu, thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp về phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương.
Thứ bảy, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đổi mới và tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2023, các bộ, cơ quan và địa phương cần thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chỉ thị số 03/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Kịp thời tham mưu, ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, tiền tệ; thực hiện các đột phá chiến lược, các định hướng lớn...
TS Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, thực tế là hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí… tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
P.V (t/h)