51% cửa hàng bán lẻ sụt doanh thu trong Covid 19
Theo khảo sát thực hiện trên 10.000 cửa hàng tham gia khảo sát thường niên của Sapo cho thấy, 2020 là một năm khó khăn đối với những nhà bán hàng, đặc biệt trong các ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng.
Có 51% cửa hàng được khảo sát ghi nhận doanh thu sẽ sụt giảm so với năm 2019. Nguyên nhân của sự sụt giảm được cho là do tác động mạnh của đại dịch Covid 19, thiên tai, bão lũ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
18,6% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tương đương và 30,7% doanh nghiệp ghi nhận có mức độ tăng trưởng so với năm 2019..
Trong đó, nhóm ngành dịch vụ ăn uống chịu ảnh hưởng lớn nhất, tiếp đến là nhóm kinh doanh trên website và kinh doanh truyền thống, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Trong đó có 95% nhà bán hàng ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống cho biết họ chịu ảnh hưởng xấu từ dịch Covid 19, nhẹ thì sụt giảm doanh thu, giảm nhân viên, nặng là phải đóng cửa hàng, đóng chi nhánh.
Thương mại điện tử lên ngôi mùa dịch
Đại dịch cũng tạo nên bức tranh "kẻ khóc, người cười" trong mảng bán hàng. Trong khi bán hàng kênh truyền thống ở nhiều mảng điêu đứng thì bán hàng online lại lên ngôi mùa dịch, 15% nhà bán hàng trên sàn TMĐT và Facebook và 8% nhà bán hàng sở hữu ít nhất 1 website cũng có sự tăng trưởng trên 30%.
Điều đó đã tạo nên xu hướng phát triển bán hàng đa kênh. Đa số nhà bán lựa chọn kết hợp nhiều cách thức để cắt giảm chi phí vận hành mà vẫn đảm bảo cửa hàng/nhà hàng hoạt động hiệu quả. Trong đó, phương thức phổ biến nhất là mở thêm kênh bán hàng online kết hợp phát triển sản phẩm mới.
Theo khảo sát của Sapo, gần 24% nhà bán lẻ chuyển đổi hoàn toàn từ bán hàng truyền thống sang bán hàng online, nhờ vậy 56% trong số họ đã có sự hồi phục kinh doanh đạt hoặc vượt mức doanh thu của thời điểm trước khi diễn ra COVID-19.
Cùng với xu hướng chuyển dịch trong các kênh bán hàng, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản cũng trở nên được ưa chuộng hơn. Hình thức QR code cũng phát triển mạnh mẽ, tăng từ top 6 (năm 2019) lên top 3 với 12,7% cửa hàng thường xuyên sử dụng.
70% nhà bán hàng kỳ vọng lớn vào khả năng phát triển của năm 2021
Kết quả khảo sát của Sapo cũng cho biết, sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, tình hình kinh doanh của các nhà bán hàng bắt đầu khởi sắc trở lại tuy còn chậm chạp. 33,6% nhà bán hàng được khảo sát cho biết doanh thu đã ở mức trước dịch, trong khi 48,2% người cho biết doanh thu đã tăng lên nhưng chưa được như trước. Còn 18,2% nhà bán hàng chưa nhận thấy sự gia tăng doanh thu.
Dự báo năm 2021, trong khi 6% chủ cửa hàng bi quan về tình hình thị trường, cho rằng nền kinh tế chưa phục hồi hậu đại dịch, chịu tác động xấu của kinh tế thế giới; thì 70% chủ shop tin tưởng và kỳ vọng lớn vào khả năng phát triển của năm 2021.
Trong đó, 51,3% cửa hàng tự tin sẽ phục hồi và tăng trưởng nhẹ, 24% cửa hàng kỳ vọng phục hồi nhưng chưa tăng trưởng, 118,3% chắc chắn tăng trưởng mạnh mẽ, 6,3% cho rằng chưa có khả năng hồi phục…
Bảo Bảo