Nền kinh tế chuyển mình thế nào dưới nhiệm kì 2 của Tổng thống Donald Trump? |
Đồng hồ Kinh tế (Economic Clock là một chỉ báo kinh tế đáng tin cậy được các học giả ở Anh tạo ra vào cuối những năm 1950) được chia ra với 4 múi giờ tương ứng với 4 mùa của nền kinh tế. Múi giờ 1-2-3 (Mùa Thu = Fall), múi giờ 4-5-6 (Mùa Đông = Winter), múi giờ 7-8-9 (Mùa Xuân = Spring), múi giờ 10-11-12 (Mùa Hè = Summer). Với 4 múi giờ của Đồng hồ Kinh tế còn tương ứng với 4 giai đoạn của Vòng tròn vũ trụ (Circle of the Universe) đó là Hoại = Mùa Thu = Bão Hoà (Slow Down), Diệt = Mùa Đông = Suy Thoái (Recession), Thành = Mùa Xuân = Phục Hồi (Recovery) và Trụ = Mùa Hè = Bùng Nổ (Boom).
Thời gian qua nền kinh tế thế giới, bao gồm cả nền kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn Mùa Đông khi có sự suy giảm trầm trọng: Lạm phát và lãi suất tăng mạnh. Giá hàng hóa cùng với lợi nhuận các doanh nghiệp giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản ở mức cao và nhiều người mất việc làm. Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm dự trữ ngoại tệ. Thị trường chứng khoán và bất động sản chạm đáy. Niềm tin của nhà đầu tư thấp và nhiều người đang chọn cách ngồi ngoài.
Đồng hồ Kinh tế (Nguồn: Royal London). |
Với những chính sách quyết liệt nhằm mang lại lợi ích cho nước Mỹ cũng như khôi phục nền kinh kế và vai trò ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới của Hoa Kỳ, chấm dứt chiến tranh ở khu vực châu Âu và Trung Đông nên việc ông Donald Trump chính thức đắc cử Tổng thống nhiệm kì 2 đã tác động khá tích cực đến nền kinh tế Mỹ cũng như mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế thế giới. Điều đó chứng minh bằng các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng mạnh, tỷ giá USD tăng, giá vàng tiếp tục tăng.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2, ông Donald Trump có ủng hộ và mong muốn công nhận đồng Bitcoin, đồng thời ông Trump cam kết biến Mỹ sẽ trở thành thủ đô của tiền mã hoá cũng như thành lập kho dự trữ Bitcoin của quốc gia. Điều này làm cho các nhà đầu tư tiền kĩ thuật số kỳ vọng vào một môi trường pháp lý cởi mở hơn, giúp thúc đẩy giá trị của các đồng tiền điện tử lớn như Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) nên sau khi ông Donald Trump chiến thắng bầu cử , đồng tiền kĩ thuật số là Bitcoin (BTC) tăng lên mức kỉ lục mới khi có thời điểm giao dịch lên đến 99.600 USD/ BTC gần chạm 100.00 USD/BTC mà các nhà phân tích đã dự báo.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (The Asian Development Bank – ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Lạm phát được dự báo sẽ ổn định ở mức 4% trong hai năm 2024 và 2025. Ngoài ra, trong báo cáo cập nhật kinh tế công bố hồi giữa tháng 10/2024, Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ mức 6% lên mức 6,8%. Lạm phát đã chậm lại trong thời gian gần đây và Standard Chartered duy trì dự báo lạm phát cho năm 2024 và 2025 ở mức lần lượt là 3,7% và 3,8%. Chính phủ Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.
Theo Chu kì Benner (Benner Cycle): Nhiều nhà đầu tư (Investors) và Nhà giao dịch tài chính chuyên nghiệp (Professional Traders) xem Chu kỳ Benner trở thành lời tiên tri cho thị trường tài chính vì nền kinh tế thế giới đã có những năm suy thoái và hoảng loạn trùng khớp với chu kỳ Benner. Căn cứ theo chu kì Benner thì năm 2018-2019 (năm đỉnh) đến 2023-2024 (năm đáy) của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2025 sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng lên đỉnh vào năm 2026. Sau đó, theo Chu kì Benner sẽ có chu kì bắt đầu giảm từ năm 2027 đến năm 2032.
Như vậy với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ cùng các chính sách mà ông theo đuổi nhằm mang lại sự phồn thịnh cho Hoa Kỳ và hoà bình cho thế giới, các nhà đầu tư kỳ vọng vào một nền kinh tế phục hồi, nền kinh tế sẽ bước vào Mùa Xuân tương ứng với giai đoạn hồi phục khi nền kinh tế vượt qua đáy khủng hoảng, bắt đầu tăng trưởng trở lại và lãi suất ngân hàng giảm dần. Giá hàng hóa được hồi phục và lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện cùng tỷ lệ thất nghiệp giảm. Thị trường chứng khoán và bất động sản phục hồi. Nhà đầu tư có niềm tin trở lại và tham gia vào thị trường kinh tế một cách mạnh mẽ.
Đối với Việt Nam, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế quốc gia. Việc chính phủ Việt Nam có lòng tin cho sự tăng trưởng GDP khoảng 6,5% đến 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7% đến 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 đến 33 thế giới về quy mô GDP là một tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với một số thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Một trong những rủi ro chính là khả năng Hoa Kỳ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và gây áp lực lên tỉ giá hối đoái cũng như dòng vốn vào Việt Nam. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần linh hoạt các chính sách tiền tệ để phù hợp với các chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ hội từ hội nhập quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và ứng dụng công nghệ số trong ngành kinh tế, ngành công nghiệp xanh nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế nước nhà.