Thứ sáu 29/11/2024 03:52
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc
Chính quyền Donald Trump 2.0

Bài I: Những chính sách định hình tương lai của Mỹ

28/11/2024 16:19
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ khởi đầu cho một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại, ảnh hưởng sâu rộng đến nền thương mại toàn cầu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Theo PBS News dẫn số liệu từ Open Secrets tính đến ngày 05/11/2024, tổng cộng 5,5 tỷ USD đã được các ứng cử viên Tổng thống, các đảng phái chính trị và các nhóm lợi ích độc lập chi cho cuộc đua nhằm tác động đến các cuộc bầu cử liên bang.

Forbes thống kê có ít nhất 135 thành viên trong Three - Comma - Club (Câu lạc bộ những cá nhân có giá trị tài sản ròng hơn một tỷ đô la Mỹ) ủng hộ cho ứng viên Đảng Dân chủ là bà Kamala Harris (83 người) và ứng viên Đảng cộng hoà là Donald Trump (52 người). Những tỷ phú nổi tiếng ủng hộ Kamala Harris bao gồm Bill Gates, Michael Bloomberg, Laurene Powell Jobs và Melinda French Gates; trong khi ở chiều ngược lại có tỷ phú Elon Musk, Timothy Mellon ủng hộ Donald Trump.

Bên cạnh đó, Donald Trump đã phá vỡ kỷ lục của chính mình với tư cách là ứng cử viên Tổng thống giàu nhất mọi thời đại trong cuộc bầu cử chung, khi giá trị tài sản ròng của ông đã tăng vọt lên hơn 8 tỷ USD vào tháng 10/2024 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của cổ phiếu công ty truyền thông xã hội Truth Social. Mặc dù sau đó, cổ phiếu Truth Social hạ nhiệt, tài sản đã giảm xuống dưới 6 tỷ USD nhưng so với đối thủ cạnh tranh cuộc đua vào nhà trắng là Kamala Harris thì giá trị tài sản ròng của bà Harris chỉ bằng 0,1% của ông Trump.

Kết quả bầu cử ngày 06/11/2024, có 76.818.362 lá phiếu phổ thông (tương đương 50% tổng số người đi bầu cử) đã bầu cho ông Donald Trump và có 74.308.711 lá phiếu phổ thông (tương đương 48,4% tổng số người đi bầu cử) bầu cho bà Kamala Harris.

Ông Donald Trump giành được 312 phiếu Đại cử tri (vượt qua yêu cầu 270 phiếu Đại cử tri để dành chiến thắng chung cuộc) so với bà Kamala Harris chỉ có được 226 phiếu Đại cử tri. Như vậy, ông Donald Trump đã dành chiến thắng chung cuộc để trở thành Tổng thống thứ 47 (47th President) trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 và dự kiến sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/01/2025 tại Thủ đô Washington DC.

Không những vậy, Đảng cộng hoà dành chiến thắng để kiểm soát Thượng Viện Mỹ (Senate) với 53 ghế dành được (trong khi chỉ cần 51 ghế là giành quyền kiểm soát Thượng viện) so với 47 ghế của Đảng dân chủ. Hơn nữa, Đảng Cộng hoà còn giành cả chiến thắng ở Hạ viện (House) với 219 ghế (trong khi chỉ cần 218 ghế là giành quyền kiểm soát Hạ viện) so với 213 ghế của Đảng dân chủ.

Như vậy, ông Donald Trump và Đảng Cộng hoà đã chiến thắng toàn diện cả 3 mặt trận trong cuộc bầu cử năm 2024, điều này sẽ tạo sự thuận lợi rất lớn trong việc ban hành và thực thi các chính sách mà ông Donald Trump đã hứa hẹn trong quá trình tranh cử Tổng thống cũng như quyết tâm thực hiện khi thắng cử trở thành Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Ông Donald Trump và Đảng Cộng Hoà đã chiến thắng toàn diện cả 3 mặt trận so với bà Kamala Harris và Đảng Dân chủ (Nguồn: Financial Times)
Ông Donald Trump và Đảng Cộng hoà đã chiến thắng toàn diện cả 3 mặt trận so với bà Kamala Harris và Đảng Dân chủ (Nguồn: Financial Times).

Chính sách nổi bật của ông Donald Trump cho nhiệm kì 2025-2029

Giảm thuế (Tax Cuts): Ông Donald Trump sẽ thực hiện chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp để thúc đầy sản xuất kinh doanh tại Hoa Kỳ. Ông Donald Trump cũng đã đưa ra ý tưởng miễn thuế liên bang đối với thu nhập được từ tiền boa (tiền tip) và các chế độ phúc lợi An sinh xã hội. Chính điều này là một trong những lý do mà sau khi ông Donald Trump dành chiến thắng trong cuộc bầu cử đã khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục. Cụ thể, vào cuối ngày 06/11/2024 theo giờ Mỹ, chỉ số Dow Jones (chỉ số chứng khoán nổi tiếng của nước Mỹ phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế Hoa Kỳ) tăng lên tới tới 3,57% khi đạt mức 43.729,93 điểm và chỉ số Dow Jones còn có mức tăng điểm kỷ lục giữa hai phiên giao dịch liên tiếp hơn 1.500 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số S&P 500 (chỉ số chứng khoán được dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ) cũng đã tăng 2,53% lên 5.929,04 điểm và chỉ số Nasdaq (chỉ số chứng khoán công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm các công ty thuộc các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, tiêu dùng có cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq) tăng 2,95% lên 18.983,47 điểm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng vào một chính quyền Donald Trump thân thiện hơn với doanh nghiệp, bao gồm cả việc cắt giảm thuế. Các nhà kinh tế học Jay Bryson và Michael Pugliese của Ngân hàng Wells Fargo cho rằng, chính sách cắt giảm các thuế này nếu được sự thông qua của lưỡng viện (Hạ viện và Thương viện) sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn vào năm 2026 và 2027.

Với khẩu hiệu tranh cử: Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America Great Again – MAGA), các thông điệp như: người Mỹ là trên hết - là ưu tiên số 1 (American First), hàng hoá sản xuất tại Mỹ (Made in USA), mua hàng hoá Mỹ (Buy American) và ưu tiên thuê người Mỹ làm việc (Hire American). Ông Trump đề cử ứng viên nội các là những nhà tỉ phú, những người có cùng quan điểm lập trường ủng hộ chính sách của ông. Cụ thể, ông Donald Trump đã đề cử tỉ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính (còn gọi là Bộ Ngân khố Hoa Kỳ - Department of the Treasury), người ủng hộ mạnh mẽ Chương trình nghị sự Nước Mỹ trước tiên. Ông Donald Trump nhấn mạnh rằng, ông Scott Bessent được nhiều người kính trọng và là một trong những nhà đầu tư quốc tế và nhà chiến lược địa chính trị và kinh tế hàng đầu thế giới. Ông tin rằng, ông Scott Bessent sẽ ủng hộ các chính sách của ông Donald Trump nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Mỹ và ngăn chặn sự mất cân bằng thương mại không công bằng, nỗ lực tạo ra một nền kinh tế đặt tăng trưởng lên hàng đầu.

Thuế quan (Tariffs): Với việc cắt giảm thuế trong nước, chính quyền Donald Trump muốn bù đắp nguồn thuế cắt giảm trong nước từ việc nâng cao mức thuế quan bên ngoài nước Mỹ. Cụ thể, ông Donald Trump đề xuất áp dụng mức thuế quan từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và lên đến 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Donald Trump cho rằng, thuế quan sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mở cửa hàng tại Hoa Kỳ, sản xuất tại Hoa Kỳ để góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ theo thông điệp của ông Donald Trump là sản phẩm sản xuất tại Mỹ (Made in USA) và mua hàng của người Mỹ - thuê người Mỹ làm việc (Buy American - Hire American). Tuy nhiên, động lực kích thích kinh tế từ việc cắt giảm thuế trong nước sẽ được bù đắp một phần bởi mức thuế quan do Donald Trump đề xuất có thể sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ do chi phí lao động tại Hoa Kỳ tương đối cao sẽ làm tăng lạm phát cũng như có khả năng dẫn đến sự trả đũa từ các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Trong thời gian chờ nhậm chức Tổng thống 47 vào ngày 20/01/2024, ông Donald Trump đã tích cực xây dựng nội các cho chính quyền mình. Ông đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick (Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald) làm Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ (United States Department of Commerce – DOC). Tỷ phú Howard Lutnick không chỉ có mối quan hệ thân thiết với ông Donald Trump mà còn rất ủng hộ các chính sách của ông Trump về áp thuế quan nhập khẩu và đặc biệt là ủng hộ tiền kĩ thuật số (Cryptos) được công nhận và giao dịch tự do tại Hoa Kỳ. Ông Donald Trump cũng có quan điểm cởi mở với tiền kĩ thuật số khi vào tháng 07/2024, ông tuyên bố nếu đắc cử sẽ tạo ra một "kho dự trữ Bitcoin chiến lược quốc gia" và biến Mỹ thành "thủ đô tiền số của thế giới". Ông Donald Trump còn muốn Bitcoin được tạo ra tại Mỹ và nếu giá tiền số tăng vọt, họ sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Nợ chính phủ (Government Debt):Theo www.usdebtclock.org, tính đến tháng 11/2024 nợ công của Hoa Kỳ đã vượt qua 36 nghìn tỷ USD. Việc thâm hụt ngân sách chủ yếu là do các yếu tố như bùng nổ thế hệ dân số già đi, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao và hệ thống thuế thu vào không mang lại đủ tiền để chi trả cho những gì chính phủ phải chi ra. Với, chính sách Thuế quan (Tariffs) của ông Donald Trump sẽ giúp tăng thêm một số doanh thu cho chính phủ nhưng ngược lại việc đề xuất cắt giảm thuế ​​(Tax Cuts) sẽ làm gia tăng thâm hụt liên bang, làm tăng chi phí vay của chính phủ. Theo Ủy ban vì một Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (Committee for a Responsible Federal Budget - CRFB) ước tính rằng, các chính sách tài khóa của ông Donald Trump sẽ làm tăng thêm 7,75 nghìn tỷ USD nợ chính phủ trong thập kỷ tới. Khi viễn cảnh về khoản nợ bổ sung quá lớn làm cho các nhà đầu tư trái phiếu (Bond Investors) lo sợ sẽ khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Lãi suất thế chấp có xu hướng theo lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm (10-year Treasuries), dự kiến ​​cũng sẽ tăng theo.

Ông Donald Trump đã chọn tỷ phú Elon Musk và tỷ phú Vivek Ramaswamy (cũng là cựu ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa) sẽ cùng lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE). DOGE có thể sẽ hoạt động theo Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang (FACA), một đạo luật năm 1972 đảm bảo các ủy ban cung cấp lời khuyên kịp thời, khách quan và công khai cho công chúng. Ông Trump cho biết Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy sẽ làm việc cùng ông Donald Trump và Văn phòng Quản trị và Ngân sách (OMB) thuộc Nhà Trắng cho tới ngày 4/7/2026 (ngày kỷ niệm 250 năm ký Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ). Như vậy, Elon Musk và Vivek Ramaswamy sẽ chịu trách nhiệm thực thi lời hứa mà ông Trump đưa ra trong quá trình tranh cử về cắt giảm bớt các quy định, giảm tình trạng quan liêu và giảm chi tiêu trong các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ.

  Elon Musk đã dành nhiều thời gian với Donald Trump sau chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: Jeff Bottari/Zuffa LLC.
Elon Musk đã dành nhiều thời gian với Donald Trump sau chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: Jeff Bottari/Zuffa LLC.

Nhập cư (Immigration): Tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn về nhập cư ở nhiệm kì đầu tiên làm Tổng thống của mình, ông Donald Trump tại nhiệm kì thứ 2 này đã kêu gọi trục xuất hàng loạt những người nhập cư đang ở Hoa Kỳ bất hợp pháp và cũng sẽ thực hiện các bước để hạn chế nhập cư hợp pháp. Ông Donald Trump tuyên bố sẽ siết các tiêu chí xét duyệt nhập cư, kích hoạt tình trạng khẩn cấp để huy động quân đội thực hiện trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ, trong đó theo Bộ An ninh và Nội địa Mỹ (DHS) thống kê có khoảng 11 triệu người nhập cư đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng với lệnh trục xuất này. Ông Donald Trump chọn ông Thomas D. Homan, cựu Giám đốc cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE), người có quan điểm cứng rắn trong nhập cư sẽ làm người "trấn thủ" biên giới Mỹ để phụ trách nỗ lực trục xuất quy mô lớn. Đội ngũ cố vấn của ông Donald Trump được cho là đang soạn các sắc lệnh để ông có thể triển khai kế hoạch trục xuất ngay trong ngày đầu tiên lên nắm quyền.

Theo các nhà phân tích tại Viện Brookings, Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ và Trung tâm Niskanen cho rằng, dưới thời nhiệm kì 2 của chính quyền Tổng thống Donald Trump số lượng di cư vào Hoa Kỳ có thể giảm mạnh, thậm chí là âm. Các nhà phân tích còn cho rằng, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho nền kinh tế Hoa Kỳ vì các giới hạn nghiêm ngặt về nhập cư có thể làm giảm nguồn cung lao động sinh ra ở nước ngoài, những người đã hỗ trợ thị trường việc làm của Hoa Kỳ vào thời điểm nhiều thế hệ người Mỹ đến giai đoạn nghỉ hưu hoặc nghỉ hưu sớm hơn tuổi quy định, làm cho nước Mỹ khang hiếm lao động và nhiều nhất là những ngành nghề lao động phổ thông, công việc tay chân nặng nhọc với mức lương khá thấp mà nhiều công dân Hoa Kỳ không muốn làm. Do đó, chính sách siết chặt nhập cư cũng sẽ gây áp lực tăng lên đối với chi phí lao động và tác động bất lợi đến tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của quốc gia Hoa Kỳ.

Cục Dự trữ Liên bang (The Federal Reserve): Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh nhưng ngược lại lạm phát là vấn đề đáng báo động. Cụ thể từ lúc nhậm chức Tổng thống vào tháng 01/2021 đến Bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, GDP đã tăng 11,8% trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden trong khi GDP trong 4 năm ông Trump nắm quyền ở nhiệm kì đầu là tăng 7,6%. Nhưng ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ tăng khoảng 20%, trong khi dưới thời nhiệm kì đầu tiên làm Tổng thống từ tháng 01/2017 đến tháng 01/2021 chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng cao nhất chỉ là 7,8%. Hiện nay, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể, cho phép Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Vào ngày 07/11/2024, FED quyết định cắt giảm lãi suất điều hành tới 25 điểm xuống còn 4,5-4,75%/năm và ngân hàng trung ương (The Central Bank) có thể sẽ thận trọng hơn nếu các chính sách của ông Donald Trump gây thêm áp lực gia tăng giá cả. Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Trump thường xuyên thúc giục FED cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn và đôi khi chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell, người mà ông đã bổ nhiệm. Quốc hội Hoa Kỳ thiết lập 3 mục tiêu chính cho chính sách tiền tệ trong Đạo luật dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act): Việc làm tối đa, giá cả ổn định, và lãi suất dài hạn vừa phải. FED hoàn toàn độc lập và không bị phụ thuộc hay tác động bởi chính phủ Mỹ. Đây là tổ chức duy nhất trên thế giới được phép in tiền USD. Chính vì vậy FED là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc hoạch định cũng như điều chỉnh chính sách tiền tệ. Việc FED thay đổi về lãi suất, lượng cung tiền sẽ tác động trực tiếp đến thị trường và nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Donald Trump thường xuyên phớt lờ chuẩn mực đó, cho rằng Tổng thống nên có tiếng nói trong chính sách tiền tệ. Nhiệm kỳ của Powell sẽ hết hạn vào năm 2026 sẽ tạo cơ hội cho ông Donald Trump đề cử người kế nhiệm có sự trung thành cũng như theo đúng lập trường và chính sách cứng rắn của mình.

Xung đột thế giới (International Conflicts: NATO, Ukraine, Israel): Ông Donald Trump là người phản đối sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột quốc tế. Chiến tranh ở khu vực châu Âu giữa Ukraine - Nga và các cuộc xung đột của Israel ở Trung Đông đang nằm trong sự quan tâm đặc biệt của ông Donald Trump trên trường Quốc tế. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi ông lên nhậm chức Tổng thống. Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẵn sàng thảo luận với ông Donald Trump về vấn đề này và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có cuộc trao đổi với ông Donald Trump ngay sau khi ông Donald Trump có kết quả chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Về cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông, ông DonaldTrump là người ủng hộ nhiệt thành của Israel. Ông đã chống lại chính sách đối ngoại kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ để tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 2017. Thành phố này đang bị tranh chấp và người Ả Rập Palestine tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của bất kỳ nhà nước Palestine nào trong tương lai. Ông Donald Trump có mối quan hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo Israel là Thủ tướng Benyamin Netanyahu và trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Palm Beach, bang Florida) vào ngày 26/07/2024 với nỗ lực mong muốn hướng tới đạt được hòa bình ở Trung Đông sau khi ông đắc cử Tổng thống. Các chuyên gia Trung Đông tin rằng, ông Donald Trump sẽ theo đuổi chương trình nghị sự của Hiệp định Abraham (The Abraham Accords: Hiệp định Abraham là các thỏa thuận song phương về bình thường hóa quan hệ Ả Rập-Israel được ký kết giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và giữa Israel và Bahrain vào ngày 15 tháng 9 năm 2020) mà ông đã thúc đẩy trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập khác, đáng kể nhất là Ả Rập Xê Út.

Tin bài khác
Ông Trump cam kết áp thuế mới đối với Canada, Mexico và Trung Quốc

Ông Trump cam kết áp thuế mới đối với Canada, Mexico và Trung Quốc

Ông Trump tuyên bố áp thuế cao đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, nhấn mạnh việc thực hiện cam kết tranh cử. Động thái này có thể dẫn đến cuộc chiến thương mại tiềm tàng.
Xuất khẩu của Trung Quốc có thể đạt kỷ lục trước khi ông Trump nhậm chức

Xuất khẩu của Trung Quốc có thể đạt kỷ lục trước khi ông Trump nhậm chức

Các nhà kinh tế đã nâng dự báo xuất khẩu của Trung Quốc trong quý IV, trong bối cảnh nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới khi ông Trump đe dọa áp đặt mức thuế quan cao hơn.
Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani bị Mỹ cáo buộc hối lộ như thế nào?

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani bị Mỹ cáo buộc hối lộ như thế nào?

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani bị cáo buộc hối lộ để cứu thỏa thuận năng lượng mặt trời. Vụ việc gây chú ý khi liên quan đến việc huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.
Ông Trump và Chủ tịch Fed có thể đối đầu về lãi suất

Ông Trump và Chủ tịch Fed có thể đối đầu về lãi suất

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Powell có thể tạo ra căng thẳng về lãi suất giữa Nhà Trắng và Fed vào năm sau, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ thay đổi và áp lực chính sách gia tăng.
Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ để thúc đẩy thương mại song phương

Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ để thúc đẩy thương mại song phương

Trung Quốc thể hiện thiện chí đối thoại thương mại với Mỹ, sẵn sàng giải quyết và quản lý các khác biệt để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương ổn định và lành mạnh.
Đồng USD tăng mạnh sau bầu cử Mỹ, châu Á đối mặt thách thức

Đồng USD tăng mạnh sau bầu cử Mỹ, châu Á đối mặt thách thức

Các quốc gia chịu ảnh hưởng sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng xuất khẩu sang Mỹ rẻ hơn và chi phí nhập khẩu bằng đồng USD đắt đỏ hơn.
Các công ty Nhật Bản chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Các công ty Nhật Bản chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN. Xu hướng này xuất phát từ sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cùng những rủi ro kinh doanh tại đây.
Chủ tịch Fed cho rằng không cần vội vàng giảm lãi suất

Chủ tịch Fed cho rằng không cần vội vàng giảm lãi suất

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định, nền kinh tế Mỹ đang vận hành tốt, cho phép giảm lãi suất một cách thận trọng. Ông nhấn mạnh sự bất định chính sách ở thời điểm hiện tại đòi hỏi cách tiếp cận chậm rãi.
Tổng thống Trump bổ nhiệm tỉ phú Elon Musk dẫn dắt Bộ Hiệu quả Chính phủ

Tổng thống Trump bổ nhiệm tỉ phú Elon Musk dẫn dắt Bộ Hiệu quả Chính phủ

Tổng thống đắc cử Trump đã bổ nhiệm tỉ phú Elon Musk lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ, được kỳ vọng sẽ "xóa bỏ bộ máy quan liêu" và "cắt giảm chi tiêu lãng phí" dưới chính quyền mới.
Chính sách thuế của ông Trump có thể tác động mạnh đến Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu

Chính sách thuế của ông Trump có thể tác động mạnh đến Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu

Làn sóng bảo hộ thương mại từ chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của ông Trump có thể làm giảm 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc, và gây bất ổn kinh tế toàn cầu.
Tổng hợp những đề xuất kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Tổng hợp những đề xuất kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra một loạt đề xuất kinh tế nhằm giảm giá cả, tăng thuế quan và củng cố nền kinh tế – lĩnh vực được cử tri quan tâm hàng đầu trong chiến dịch tranh cử.
Chiến thắng của Tổng thống Trump mở rộng khoảng cách thị trường giữa Mỹ và châu Âu

Chiến thắng của Tổng thống Trump mở rộng khoảng cách thị trường giữa Mỹ và châu Âu

Chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử đã được đón nhận với niềm hân hoan tại Mỹ, nhưng không khí ở các nơi khác lại hoàn toàn trái ngược.
Trung Quốc nâng trần nợ của chính quyền địa phương để thúc đẩy kinh tế

Trung Quốc nâng trần nợ của chính quyền địa phương để thúc đẩy kinh tế

Trung Quốc tăng mức trần nợ địa phương lên 840 tỷ USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn, trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Chân dung người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nhà Trắng

Chân dung người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nhà Trắng

Vào thứ Năm (7/11), tân Tổng thống Donald Trump đã công bố rằng, quản lý chiến dịch của ông, Susie Wiles sẽ được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nhà Trắng.
Xuất khẩu của Trung Quốc vượt dự báo trước nguy cơ thuế quan của Trump

Xuất khẩu của Trung Quốc vượt dự báo trước nguy cơ thuế quan của Trump

Xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 10 đã đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong hơn hai năm, khi các nhà máy gấp rút xuất hàng để đối phó với nguy cơ thuế qua mới từ Mỹ và EU.