Bài 2: Đủ mánh khóe đẩy “ông Ba Mươi” vào nồi cao

14:15 03/03/2021

“Ông Ba Mươi” vào nồi cao ở Việt Nam qua 2 con đường chính. Một là qua trạm trung chuyển Lào, hai là qua những hoạt động lén lút nuôi nhốt ngay chính tại Việt Nam, mà chúng ta vẫn chưa phát hiện được.

Có thể thấy, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xuất phát từ niềm tin vào các đặc tính được cho là có thể chữa bệnh, trừ tà của sản phẩm từ hổ. Chính vì vậy, dù các cơ quan chức năng có kiểm soát gắt gao đến mấy, vẫn không thiếu mánh khóe để đẩy những con thú tội nghiệp này vào nồi cao. Tất nhiên, hàng càng khan hiếm thì giá cả càng được đẩy lên cao, nhưng có cung ắt có cầu.

Qua cuộc khảo sát cuối năm dịp tết Tân Sửu vừa rồi. Có thể thấy, dù rất nhiều đầu nậu đã bị lộ và xộ khám bóc lịch, nhưng vẫn còn những đầu mối khác chưa lộ diện, hoạt động ngày càng tinh vi hơn.

Hổ từ Lào vào Việt Nam

Trang trại nuôi hổ ở Phonphen (giáp ngay thị trấn Laksao, Polykhamxay) suốt ngày kín cổng cao tường, rất ít người ngoài có thể lọt vào được. Nhưng trang trại ở Thabak thì lại có thể mở cửa cho khách vào tham quan nếu như có mối quan hệ và liên hệ từ trước. Ở đó, một ông chủ người Việt cùng với một tay buôn cỡ bự bên Lào tên Kone (tên đã thay đổi) mở hẳn một khu resot sinh thái ngay cạnh trại hổ. Ở trang trại này, qua khảo sát, chúng tôi không thấy sự xuất hiện của hổ con hay hổ già. Những người sinh sống ở xung quanh đó thì khẳng định: hổ già được mang đi nấu cao, còn hổ con thì bí mật tuồn vào Việt Nam. Các nguồn thức ăn của hổ phần lớn được tuồn từ Thái Lan về. 

Trai nuôi nhốt hổ ở Polykhamxay, Lào
Trai nuôi nhốt hổ ở Polykhamxay, Lào.

Giáp biên giới Việt Nam có 3 trang trại nuôi hổ, trong đó 2 trại thuộc tỉnh Polykhamxay (giáp biên giới Hà Tĩnh, Nghệ An) là ở Phonphen và Thabak,  trại còn lại nằm ở Thakhet (giáp biên giới Quảng Trị). Cả 3 trang trại này,  đều có những dấu hiệu về hoạt động mờ ám liên quan đến việc nuôi nhốt và buôn bán hổ về Việt Nam thông qua các đầu nậu cỡ bự.

Với lại, các trang trại này còn có hình thức nuôi hổ bán tự nhiên, nghĩa là vẫn nuôi trong một không gian nhất định nào đó, hổ có thể chạy nhảy, sinh hoạt giống như trong tự nhiên, mỗi việc chuỗi thức ăn là do con người cung cấp. Loại nuôi bán tự nhiên này, có chất lượng cao hơn là hổ nuôi đơn thuần như ở Việt Nam.

Trong những chuyến khảo sát ở bên Lào thì việc mua hổ cũng như các loại động vật hoang dã rất dễ dàng. Nhưng việc vượt qua sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng Việt Nam để tuồn vào nội địa, vào thẳng nồi cao lại là một câu chuyện khác. 

Một con hổ được nuôi theo kiểu bán hoang dã chờ ngày xuất chuồng
Một con hổ được nuôi theo kiểu bán hoang dã chờ ngày xuất chuồng.

Bà chủ tên T (chủ một trang trại nuôi hươu lấy nhung khá lớn ở Hương Sơn) khẳng định, hiện tại, đối với những con hổ lớn, thường thường được đưa qua biên giới theo kiểu hổ “mặc váy”, có nghĩa là những con thú tội nghiệp này đã bị giết trước khi qua biên giới, lọc hết thịt, quay video làm chứng, sau đó kèm theo bộ da bọc phần xương, rồi nhờ người dân tộc vác qua theo đường rừng núi vào Việt Nam. Ở đó, có giao hẹn trước, đầu nậu Việt Nam sẽ nhận hàng và di chuyển về những địa điểm cố định.

Cũng có một nguồn tin riêng của PV cắm chốt lâu năm biên giới xác nhận, thủ đoạn vác hổ qua biên giới như vậy. Thậm chí, có thể được nấu cao sẵn qua biên giới, rồi vác cao sang Việt Nam. Tất nhiên, để đủ tin tưởng đối với khách hàng, mọi bằng chứng sẽ được ghi nhận đầy đủ.

Cũng có những chuyến hàng bị động (bị lộ thông tin), chủ hàng hay những thành phần vận chuyển sẵn sàng vứt bỏ và chạy trốn.

Theo thông tin từ Công an huyện Hương Sơn, ngày 18/11/2019 các lực lượng tuần tra trên đường 8 (cách cửa khẩu Cầu Treo 2km) và phát hiện 2 thanh niên đi xe máy vác theo 1 bì xác rắn. Thấy động, 2 thanh niên tăng tốc vứt bỏ bao xác rắn xuống bìa rừng, trong đó là 2 cá thể hổ sơ sinh đã mệt lử. Sau đó, 2 con hổ con đã được Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tiếp nhận và cứu hộ.

Ngày 8/1/2020, Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) đã bắt tạm giam 2 nghi can điều khiển xe khách mang BKS Lào, qua cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An), chở 2 cá thể beo, 4 tay gấu, 1 bộ xương nghi xương hổ…công an đã đưa bộ xương đi giám định và vận động chủ xe đang lẩn trốn ở Lào ra đầu thú. 

Một trong những loại động vật hoang dã đã được đưa về Việt Nam và chờ người mua
Một trong những loại động vật hoang dã đông lạnh được đưa về Việt Nam để tiêu thụ.

Hổ nuôi sẵn từ Việt Nam 

Đối với một số tay trong nghề, thì việc xác nhận hổ nuôi hay hổ sống tự nhiên là điều hết sức giản đơn. Theo như lời bà T (chủ doanh nghiệp nhung hươu), thì một con hổ 2 tạ rưỡi sẽ cho không quá 14kg xương và cho chất lượng cao không được như hổ tự nhiên mà bà đang bán. Nói cách khác, đó là loại cao 75% có giá 17 triệu/lạng.

Theo như nguồn tin cung cấp cho PV, sau khi họ đã từng đi khảo sát ngầm trong dân chúng, thì số lượng hổ nuôi nhốt ở một số huyện thuộc Nghệ An còn khá nhiều. Thông tin chưa được kiểm chứng, nhưng thậm chí có người dân còn khẳng định, số lượng lên tới hàng trăm, hàng nghìn con.

Nguồn tin khẳng định, hiện tại, ít còn kiểu người dân mua hổ con về nuôi tự phát rồi đem bán như thời gian trước, bởi như vậy sớm muộn gì cũng bị lộ, bị sờ gáy. Mà hiện tại sẽ là những đường dây khép kín hơn, thường là ông trùm thuê người dân nuôi, trả lương cho người ta tháng cỡ chục triệu, các đường dây sẽ cung cấp chuỗi thức ăn cho hổ và sau khi con hổ lớn vào nồi cao, sẽ có tỷ lệ ăn chia nhất định. Tất nhiên, những hộ gia đình nuôi nhốt lén lút sẽ có hầm cách âm phía dưới, chính vậy người ngoài không thể nghe thấy tiếng gầm của loài thú tội nghiệp này.

Và nếu lỡ có bị lộ ra ngoài, cũng sẽ không đủ bằng chứng để sờ gáy những ông trùm thật sự đứng đằng sau lưng, trong khi đó, những người nuôi nhốt, tàng trữ sẽ dính vào vòng lao lý. 

Cao hổ cốt thành phẩm
Một sản phẩm được giới thiệu chào bán là Cao hổ cốt.

Trường hợp “ông ba mươi” nuôi nhốt trong nhà dân đủ lớn, đến lúc vào nồi cao. Thì khoảng cách từ chỗ nuôi nhốt đến chỗ nấu cao sẽ được tính toán cẩn thận, ví dụ như cự ly, thời gian vận chuyển, kể cả các yếu tố khách quan bên ngoài như đèn xanh, đỏ, hay trời mưa gió, bao nhiêu thời gian thì con hổ sẽ tỉnh lại… Khi đã chắc chắn, con hổ tội nghiệp ấy sẽ bị chích điện hay tiêm thuốc mê và đi thẳng từ nơi nuôi nhốt đến nồi cao chờ sẵn.

Một số địa bàn nóng như nguồn tin đã chỉ điểm, PV DNHN tiến hành khảo sát ở một số xã thuộc địa phận tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên vì thời điểm cận Tết, lại là người lạ, cho nên việc tiếp cận nơi nuôi nhốt hổ chưa thực hiện được. Tuy nhiên, những người dân gần đó đều xác nhận, việc nuôi nhốt hổ lén lút, trái phép…là có. May chăng, phải tiếp xúc một thời gian rất lâu, khi đã đủ tin cậy, chúng tôi mới có thể vào được tận nơi nuôi nhốt và ghi lại những hình ảnh chân thực nhất có thể.

Có thể thấy, dù rất nhiều người nhận thức rõ ràng rằng, việc buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã là bị cấm. Những cũng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn luôn sẵn sàng vi phạm. Trong khi đó, các chế tài xử phạt đối với những hành vi này, liệu đã đủ mạnh tay và đủ sức răn đe chưa?

Theo lương y Hoàng Tuyết Minh (Nhà thuốc gia truyền Minh Châu): Cao hổ cốt có lẽ chỉ là thực phẩm thông thường, chẳng có tác dụng gì khủng khiếp như đồn thổi, chẳng qua cũng chỉ là keo xương và các chất xương từ một loài động vật mà thôi.

Thủ thuật của những người nấu cao hổ, là thường cho một lượng nhất định thuốc phiện vào trong nồi cao. Thuốc phiện có tác dụng giảm đau và hưng phấn thần kinh, cho nên khi dùng cao hổ có trộn thuốc phiện, người dùng có cảm giác hiệu quả, chứ thực ra chẳng phải do tác dụng của cao hổ.

Mai Lê