6 tháng đầu năm 2024, KT-XH của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 14,14%, đứng đầu cả nước; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,82%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; thuế sản phẩm tăng 10,59%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 9.829,6 tỷ đồng, tăng 28,3% so cùng kỳ, bằng 61,2% dự toán. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.027,8 nghìn/người/tháng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Đến hết ngày 15/6, toàn tỉnh giải ngân được hơn 1,8 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 21,2% tổng kế hoạch. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, riêng thu hút đầu tư FDI, tỉnh Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Các hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được triển khai hiệu quả; chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn đạt kết quả nổi bật. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 9 toàn quốc về số giải Nhất và thứ 7 cả nước về số lượng giải; có 3 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, trong đó, có 1 học sinh đạt Huy chương Vàng và 1 học sinh đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý Châu Á. Cả 3 học sinh sẽ tiếp tục dự thi Olympic quốc tế tại Iran vào tháng 7/2024. Các hoạt động y tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, lao động, việc làm được tập trung chỉ đạo, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Công tác cải cách hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính được chú trọng, cơ bản đạt tiến độ theo kế hoạch. Bắc Giang xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc về Chỉ số PAR Index (tăng 2,62 điểm, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2022). Công tác chuyển đổi số được quan tâm chỉ đạo, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông triển khai toàn diện, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; công tác quốc phòng, an ninh trật tự được bảo đảm.
Tiếp đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Giang xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm. Trong đó tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Đẩy mạnh thu ngân sách; tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường quản lý lao động; đổi mới các hoạt động văn hóa, thông tin. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh trả lời một số vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH được các nhà báo quan tâm. Trong đó, liên quan đến kinh nghiệm trong đào tạo học sinh giỏi, đại diện Sở GD&ĐT cho biết để đạt được kết quả tích cực trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Olympic khu vực vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã có sự đầu tư bài bản trong thời gian dài. Từ năm 2015, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển trường THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2025, đồng thời chỉ đạo Trường THPT Chuyên Bắc Giang đưa giáo viên giỏi về các trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh để bồi dưỡng giáo viên tại đây. Qua đó liên tục nâng cao trình độ giáo viên, học sinh cấp cơ sở, hướng đến bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo nguồn tốt cho Trường THPT Chuyên và các lớp chất lượng cao của các trường THPT trong tỉnh.
Về cơ chế, chính sách, HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang; giáo viên, chuyên gia tập huấn và học sinh tham gia đội tuyển thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, Olympic khu vực và quốc tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023 đã kịp thời động viên, tạo thêm điều kiện cho các thầy cô giáo và các em học sinh nỗ lực phấn đấu để đạt thành tích cao trong các kỳ thi.
Về nội dung giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch được giao, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Nghiệp cho biết nguyên nhân của tình trạng này đến từ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở giai đoạn cuối ảnh hưởng tiến độ thi công; nhiều thủ tục hành chính trong triển khai dự án… Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa chủ động giải quyết khó khăn dù đã được hỗ trợ; nhiều nhà thầu, chủ đầu tư còn lúng túng trong áp dụng chính sách pháp luật, dẫn đến chậm triển khai dự án… Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã thành lập tổ công tác để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký về kết quả giải ngân theo từng thời điểm, tỉnh kiểm điểm tiến độ từng dự án định kỳ.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 365 dự án của Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn tỉnh. Định hướng của tỉnh Bắc Giang là phát triển trung tâm sản xuất bán dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc trong thời gian tới. Do đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh hy vọng sẽ có thêm các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc ở lĩnh vực bán dẫn đầu tư vào địa bàn.
Về vấn đề giải quyết cán bộ dôi dư cấp xã sau khi sáp nhập, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi, chế độ đãi ngộ cho các cán bộ sau sáp nhập.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng trả lời, làm rõ một số nội dung phóng viên các cơ quan báo chí đưa ra như: Sản lượng vải thiều sụt giảm; kế hoạch tuyên truyền logo mới của tỉnh; kế hoạch thu hút khách du lịch 6 tháng cuối năm; thực trạng triển khai các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh;…
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cảm ơn các phóng viên cơ quan báo chí đã quan tâm tuyên truyền, cổ vũ, động viên tỉnh Bắc Giang trong suốt thời gian qua. Đồng thời đánh giá cao sự đa dạng chủ đề của các câu hỏi, ý kiến các phóng viên đặt ra tại hội nghị.
Ông Mai Sơn cũng làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024. Đồng chí cho biết kinh nghiệm lớn nhất của tỉnh Bắc Giang trong đào tạo học sinh giỏi đạt thành tích cao là xây dựng chính sách tốt để khuyến khích thầy và trò không ngừng nâng cao trình độ, tăng gấp 2 lần thời gian mời giáo sư đầu ngành về đào tạo học sinh giỏi trước kỳ thi quốc gia. Kết nối các thế hệ trong nhóm học sinh giỏi đạt giải cao quốc tế để hỗ trợ thực hành, chia sẻ kinh nghiệm, tâm lý, yêu cầu của cuộc thi. Đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa hỗ trợ cho các nhóm học sinh giỏi tham gia các kỳ thi, cũng như hỗ trợ, tặng thưởng cho học sinh giỏi các cấp với sự chung tay ủng hộ của nhiều cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm.
Về vấn đề sản lượng vải thiều năm nay sụt giảm do thời tiết bất thường, đồng chí đề nghị ngành Nông nghiệp và các địa phương trồng vải thiều cần làm tốt công tác dự báo thời tiết và khuyến cáo nhà nông kịp thời trước tình hình thời tiết bất thường, cực đoan.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giữ vững trong top 5 PCI toàn quốc. Tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp quy trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến. Đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường truyền thông đến doanh nghiệp, người dân về thực hiện TTHC trực tuyến, áp dụng những tiện ích của chuyển đổi số vào giải quyết TTHC.
Hạnh Nguyên