Bà Mạnh Vãn Châu sẽ ngồi ghế Chủ tịch luân phiên của Huawei từ tháng 4

15:14 29/03/2023

Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của bà Mạnh Vãn Châu diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi Huawei đang phải đối mặt với áp lực cấm vận ngày càng tăng.

Chân dung bà Mạnh Vãn Châu
Chân dung bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: SCMP

Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu được cho là sẽ bắt đầu đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của công ty kể từ tháng 4.

Theo SCMP, bà Mạnh sẽ giữ vai trò mới của Huawei trong 6 tháng, kéo dài đến hết 30/9. Sau thời gian này, vị trí sẽ được chuyển giao cho một trong hai lãnh đạo khác là Ken Hu Houkun và Eric Xu Zhijun. Việc đảm nhận được cho là đã được thông qua trong cuộc họp Hội đồng quản trị Huawei ngày 28/3. Huawei từ chối bình luận.

Đây là lần đầu tiên bà Mạnh giữ vai trò cao nhất công ty, sau khi được chỉ định là một trong ba lãnh đạo cấp cao sẽ luân phiên giữ vị trí Chủ tịch của gã khổng lồ viễn thông này một năm trước.

Chủ tịch luân phiên là một trong những cách quản lý đặc biệt của Huawei, giúp các lãnh đạo cấp cao nhất hỗ trợ và phản biện lẫn nhau. Điều này giúp phân tán quyền lực giữa nhóm lãnh đạo cấp cao gồm các giám đốc điều hành lâu năm cùng nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi. Ông Nhậm thường là người nắm quyền phủ quyết nhưng ít có vai trò hơn trong hoạt động hàng ngày của công ty so với các Chủ tịch luân phiên.

Thông tin về việc bà Mạnh được bổ nhiệm làm Chủ tịch luân phiên Huawei có từ tháng 4/2022. Nhưng khi đó, nguồn tin không nêu rõ khi nào nhiệm kỳ của bà bắt đầu. Chủ tịch luân phiên hiện tại là ông Zhijun.

Mạnh Vãn Chu là con gái lớn của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Cuối năm 2018, bà bị bắt ở Vancouver theo yêu cầu của Mỹ và bị giam lỏng cho đến tháng 9/2021. Bà được thả sau khi đạt thỏa thuận hoãn truy tố của Bộ Tư pháp Mỹ.

Ngày 28/3/2022, "công chúa Huawei" lần đầu xuất hiện trước công chúng trong buổi công bố kết quả tài chính 2021 của công ty. Bà cho biết, sau gần ba năm bị quản thúc, thế giới dường như đã thay đổi rất nhiều. "Trong 6 tháng qua, tôi đã cố gắng học hỏi mọi thứ để bắt kịp với cuộc sống", bà chia sẻ khi đó.

Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của bà Mạnh diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi Huawei đang phải đối mặt với áp lực cấm vận ngày càng tăng. Nhiều thông tin cho rằng, chính quyền Mỹ xem xét chặn mọi mối quan hệ kinh tế giữa tập đoàn này và doanh nghiệp Mỹ.

Từ năm 2020, Huawei phải điều chỉnh hoạt động sản xuất smartphone và thiết bị mạng viễn thông sau khi chính quyền Washington áp đặt biện pháp hạn chế thương mại, bao gồm quyền tiếp cận chip bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, từ bất kỳ nhà cung cấp nào.

Theo Counterpoint Research, lệnh trừng phạt khiến cho hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei đình trệ. Từ quý III/2022, họ cạn kiệt vật liệu bán dẫn dùng trong việc thiết kế vi xử lý đời mới cho smartphone.

Tuy nhiên, công ty vẫn chưa từ bỏ mảng kinh doanh thiết bị cầm tay. Họ vừa tung ra smartphone cao cấp P60 và điện thoại gập Mate X3 vào tuần trước. Không có kết nối 5G, các thiết bị này được cung cấp sức mạnh bởi phiên bản 4G của chipset Snapdragon 8.

Huawei cũng tăng cường phát triển các sản phẩm thay thế trong nước. Trong 3 năm qua, họ đổi 13.000 linh kiện trong nhóm bị cấm vận và thiết kế lại hơn 4.000 bảng mạch.

Theo nhận định của SCMP, nhiệm kỳ của bà Mạnh có thể đưa ra những gợi ý về quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại Huawei.

Việc bà Mạnh Vãn Chu đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên củng cố tin đồn bà sẽ là người kế nhiệm cha mình tại Huawei. Ông Nhậm Chính Phi có ba con từ hai cuộc hôn nhân là Mạnh Vãn Chu, Nhậm Bình và Diêu An Na. Tuy nhiên, con trai Nhậm Bình được cho là tỏ ra không mấy quan tâm đến việc tiếp quản công việc kinh doanh của cha, trong khi con gái út Diêu An Na đang theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực giải trí. Bà Mạnh Vãn Chu gia nhập công ty từ hơn 20 năm trước và đảm nhận ví trí Giám đốc Tài chính nhiều năm liền.

Thu Trà (t/h)