Theo The Guardian, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa công bố hướng dẫn về quản trị và đạo đức về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đây là tài liệu đóng vai trò hướng dẫn cho các tổ chức trong khu vực có mong muốn thiết kế, phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ mục đích thương mại và phi quân sự.
Nội dung của bản hướng dẫn tập trung vào việc khuyến khích sự liên kết trong ASEAN và thúc đẩy khả năng tương tác về công nghệ trí tuệ nhân tạo giữa các khu vực pháp lý.
Trong đó là các khuyến nghị về những sáng kiến cấp quốc gia và khu vực mà chính phủ các nước thành viên ASEAN có thể xem xét thực hiện nhằm thiết kế, phát triển và triển khai các hệ thống trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.
Những khuyến nghị này gồm: nuôi dưỡng nhân tài AI; nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động; nghiên cứu và phát triển AI. Các đề xuất cấp khu vực gồm việc thành lập một nhóm làm việc để triển khai, tổng hợp quá trình thực hiện. ASEAN kêu gọi các công ty công nghệ triển khai cấu trúc đánh giá rủi ro AI và đào tạo quản trị AI, nhưng hành động cụ thể sẽ do các công ty và cơ quan quản lý địa phương quyết định. Tuyên bố chung sau hội nghị cho biết, bản hướng dẫn nhằm mục đích hỗ trợ các tổ chức trong khu vực có mong muốn phát triển những công nghệ AI truyền thống cho các ứng dụng thương mại và phi quân sự. Các bộ trưởng của ASEAN cũng nhất trí thành lập một nhóm chuyên trách để thảo luận về quản trị AI.
Trên thực tế, mối quan tâm đến trí tuệ nhân tạo đã bùng nổ kể từ sau cơn sốt ChatGPT. Trợ lý ảo của OpenAI gây ấn tượng mạnh và được lan truyền rộng rãi nhờ khả năng thực hiện các đoạn hội thoại với chất lượng câu trả lời cao.
Đây cũng là lúc xã hội bắt đầu quan tâm đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào, cùng với đó là các vấn đề liên quan đến pháp lý và đạo đức AI, làm sao để sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, hướng dẫn này tìm cách thiết lập các nguyên tắc chung đáng tin cậy cho AI và đề xuất các phương pháp hay nhất về cách triển khai AI trong ASEAN. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các quốc gia thành viên trong khu vực đang ở “các giai đoạn phát triển kỹ thuật số khác nhau” nên có thể đặt ra thách thức cho vấn đề này.
Nhà nghiên cứu chính về các vấn đề kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Kristina Fong, nhận định, các quốc gia khác nhau không chỉ về khả năng kỹ thuật số, mà còn về mức độ trưởng thành của các cơ quan quản lý, năng lực thể chế, cũng như quy định của pháp luật. Đó là lý do phải mở những diễn đàn thảo luận về những rủi ro và vấn đề tồn tại trong việc tiếp cận công nghệ để các nước trao đổi, tìm ra cách phối hợp quản lý.
Trong khi đó, Kenddrick Chan, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Viện Thay đổi toàn cầu Tony Blair có trụ sở tại Anh, cho rằng, khu vực tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực quản trị AI. Do đó, các chính phủ nên khám phá các cơ chế để thúc đẩy sự hợp tác công tư tốt hơn trong lĩnh vực này, cả ở cấp quốc gia và khu vực.
Tú Anh (t/h)