Apple buộc phải trả tiền thuế khổng lồ 14,4 tỷ USD cho chính phủ Ireland. |
Phán quyết hôm 10/9 của Tòa án Tối cao Liên minh châu Âu đánh dấu kết thúc cuộc tranh chấp giữa Tập đoàn Apple và Liên minh châu Âu (EU) xoay quanh các thỏa thuận ưu đãi mà Ireland dành cho Táo khuyết. Theo đó, Tòa án Tối cao EU công nhận phán quyết mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào năm 2016 là đúng, rằng "Ireland đã cấp viện trợ bất hợp pháp cho Apple và họ phải thu hồi khoản tiền này".
Bà Margrethe Vestager, Ủy viên Chống độc quyền của EU và là người dẫn dắt cuộc chiến pháp lý kéo dài, đã khóc khi nghe tin. "Hôm nay là ngày chiến thắng lớn cho người dân châu Âu và công lý thuế", bà nói.
8 năm trước, EC kết luận Chính phủ Ireland đã cấp cho Tập đoàn Apple một thỏa thuận đặc biệt, cho phép nhà sản xuất điện thoại iPhone gần như không phải trả thuế ở EU trong 11 năm. Nhờ vậy, thuế suất mà tập đoàn Apple phải trả giảm từ 1% năm 2003 xuống còn 0,005% vào 2014. Theo bà Vestager, thông qua thỏa thuận với Chính phủ Ireland, Apple gần như không đóng thuế, trong khi lẽ ra phải trả 13 tỷ euro (14,4 tỷ USD) cho tất cả lợi nhuận liên quan.
Apple và Ireland đã kháng cáo quyết định của EC vào năm 2019 và vào năm 2020, Tòa án Tổng châu Âu (GC) đã đứng về phía gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ khi cho rằng, Ủy ban châu Âu không đưa ra được đủ bằng chứng để chứng minh rằng Apple đã nhận được sự trợ giúp nhà nước bất hợp pháp.
Sau đó, ủy ban kháng cáo quyết định của Tòa án sơ thẩm và chuyển vụ kiện lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).
Cho đến giờ, Tòa án Công lý châu Âu đã chính thức bác bỏ quyết định của Tòa án sơ thẩm và xác nhận phán quyết ban đầu năm 2016 của ủy ban.
Bà Vestager cũng ngạc nhiên với bước ngoặt pháp lý vào phút chót. "Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho thất bại, nhưng rồi đó lại là chiến thắng khiến tôi bật khóc. Kết quả này rất quan trọng để người nộp thuế châu Âu thấy rằng công lý được thực thi", bà nói.
Phát ngôn viên của Apple khẳng định, công ty luôn hoàn thành đẩy đủ nghĩa vụ thuế tại các quốc gia mà họ hoạt động và chưa bao giờ nhận được bất kỳ giao dịch đặc biệt nào, đồng thời cho rằng Ủy ban châu Âu chưa xem xét đầy đủ theo luật thuế quốc tế.
Trong khi đó, Chính phủ Ireland khẳng định, lập trường của họ luôn là "không dành ưu đãi thuế cho bất kỳ công ty hoặc người nộp thuế nào".
Giới công nghệ hy vọng sẽ sớm thiết lập các quy tắc toàn cầu về thuế đối với các công ty đa quốc gia để những trường hợp tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai. Tổng Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã công khai ủng hộ ý kiến này.
Phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu được đưa ra vài giờ sau khi công ty công bố các sản phẩm mới, bao gồm iPhone, Apple Watch và AirPod.
Đây không phải là lần đầu Apple nằm trong tầm ngắm của EU. Gần đây nhất, Ủy ban châu Âu đã phạt Apple 1,8 tỷ euro vào tháng 3 vì lạm dụng vị thế thống lĩnh của mình trên thị trường phân phối ứng dụng phát nhạc trực tuyến.
Ngoài Apple, EC cũng từng nhắm vào Amazon, Starbucks và Fiat với các phán quyết về thuế, nhưng sau đó đã bị hủy bỏ khi kháng cáo. Động thái mới nhất dành cho Apple có nghĩa là các tập đoàn Mỹ vẫn nên cẩn trọng, theo Varg Folkman, nhà phân tích của Trung tâm Chính sách châu Âu. "Đó là mức phạt lớn nhất và kiện tụng kéo dài. Vì vậy, việc EC chiến thắng gửi đi thông điệp rằng điều này có thể xảy ra với các công ty khác", Folkman nói.
Nghị sĩ EU Kira Peter-Hansen cho rằng, các quốc gia thành viên không thể tiếp tục chạy đua giảm thuế doanh nghiệp theo cách làm suy yếu sự đoàn kết và gắn kết xã hội của châu Âu. "Các công ty công nghệ lớn như Apple không nên lợi dụng quyền lực thị trường của mình và trốn tránh việc trả thuế công bằng cho xã hội", bà nói.