![]() |
Apple lấy lại vị thế công ty giá trị nhất thế giới sau cú tăng vốn hóa lịch sử |
Ngày 9/4/2025 (giờ Mỹ) đánh dấu một phiên giao dịch lịch sử trên Phố Wall khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với một số quốc gia châu Á. Động thái này không chỉ giúp thị trường hồi sinh sau chuỗi ngày ảm đạm, mà còn thổi bùng làn sóng tăng giá mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu công nghệ.
Chốt phiên, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt bứt phá mạnh mẽ. S&P 500 tăng 9,52% lên 5.456,9 điểm – mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đứng thứ ba kể từ sau Thế chiến II. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 7,87%, tương đương 2.962,86 điểm, đạt 40.608,45 điểm – cao nhất kể từ tháng 3/2020. Trong khi đó, Nasdaq Composite ghi nhận mức tăng kỷ lục 12,16% lên 17.124,97 điểm, lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau phiên tăng vào tháng 1/2001.
Cơn sóng dữ dội này kéo theo khối lượng giao dịch bùng nổ, với hơn 30 tỷ cổ phiếu được sang tay – cao nhất kể từ năm 2006, đánh dấu một trong những phiên sôi động nhất lịch sử hiện đại của thị trường tài chính Mỹ.
Tâm điểm của phiên giao dịch không ai khác ngoài Apple. Cổ phiếu hãng công nghệ này tăng vọt 15%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1998, giúp vốn hóa “bốc hơi” 774 tỷ USD trong những ngày trước đó nay lập tức hồi phục thêm 400 tỷ USD, đạt gần 3.000 tỷ USD. Apple qua đó chính thức vượt mặt Microsoft để trở lại vị trí công ty giá trị nhất thế giới.
Trước đó, Apple bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan của ông Donald Trump, khiến cổ phiếu trải qua chuỗi bốn phiên giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2000. Lo ngại lớn nhất đến từ việc phần lớn thiết bị phần cứng như iPhone vẫn được sản xuất tại Trung Quốc – nơi không nằm trong diện hoãn thuế lần này. Trong khi đó, ông Trump đã nâng thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ 54% lên 125%, còn Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 84% với hàng Mỹ, khiến Apple đối mặt nguy cơ mất thị phần tại thị trường lớn thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, quyết định giảm thuế với Việt Nam (từ 46% xuống 10%) và Ấn Độ (giảm 26% còn 10%) đã mở ra cơ hội mới. Các nhà máy tại những quốc gia châu Á vốn là mắt xích trong chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng của Apple – giờ đây có thể cung ứng cho thị trường Mỹ với chi phí thấp hơn, giúp Apple tạm tránh được "sốc" từ cuộc chiến thương mại.
Không chỉ Apple, hàng loạt ông lớn công nghệ cũng đồng loạt tăng tốc. Tesla bứt phá 22%, Nvidia nhảy vọt 19%, Meta tăng 15%, Amazon tăng 12%, trong khi Microsoft và Alphabet – công ty mẹ của Google – đều tăng khoảng 10%.
Ngành bán dẫn cũng không nằm ngoài cơn sốt, với AMD tăng 24%, Intel tăng 19% và Broadcom tăng 18%. Đây được xem là sự phản ứng tích cực từ thị trường trước kỳ vọng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ ổn định trở lại và nhu cầu công nghệ tiếp tục tăng trưởng.
Dù thị trường “ăn mừng” rầm rộ, nhiều chuyên gia vẫn giữ thái độ dè chừng. Ông Adam Crisafulli – nhà sáng lập hãng phân tích Vital Knowledge – nhận định: “Sau khi tâm lý và giá cổ phiếu bị dìm xuống đáy, quyết định tạm hoãn thuế như cú hích mạnh kéo thị trường bật dậy. Tuy nhiên, cần nhớ rằng thuế quan chưa biến mất, và mức thuế 3 chữ số với Trung Quốc vẫn còn đó".
Ông Sam Stovall – chiến lược gia trưởng tại CFRA Research – cũng cảnh báo: “Đây có thể là đợt hồi phục ngắn hạn, nhưng chưa đủ cơ sở để khẳng định thị trường đã tạo đáy. Bài học là nếu bị lừa một lần thì là lỗi của họ, bị lừa năm lần thì là lỗi của mình”.