![]() |
Apple đối mặt áp lực từ Mỹ vì thỏa thuận AI với Alibaba tại Trung Quốc |
Thỏa thuận hợp tác giữa Apple và Alibaba nhằm đưa trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc lên iPhone tại thị trường Trung Quốc đang vấp phải sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Apple vốn đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc tích hợp các tính năng AI để duy trì sức hút của iPhone trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vướng phải rào cản địa chính trị khi chính quyền Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về một thỏa thuận hợp tác giữa Apple và Alibaba – một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ giới chức Mỹ, Nhà Trắng và Ủy ban Lưỡng đảng về Trung Quốc đã tiến hành các cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của Apple để chất vấn về nội dung thỏa thuận này. Các câu hỏi tập trung vào việc liệu Apple có chia sẻ dữ liệu với Alibaba hay không, các điều khoản pháp lý liên quan đến phía Trung Quốc là gì, và Apple có cam kết gì với các cơ quan quản lý của Bắc Kinh hay không. Trong một cuộc họp với Ủy ban Hạ viện vào tháng 3, các giám đốc của Apple được cho là đã không thể trả lời thỏa đáng phần lớn các câu hỏi được đưa ra.
Giới chức Mỹ lo ngại rằng thỏa thuận sẽ góp phần nâng cao năng lực AI của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng mở rộng các chatbot vốn đang bị kiểm duyệt nghiêm ngặt tại quốc gia này. Ngoài ra, việc Apple hợp tác sâu hơn với các công ty Trung Quốc có thể khiến hãng công nghệ Mỹ bị ràng buộc chặt hơn vào các luật kiểm duyệt và yêu cầu chia sẻ dữ liệu do Bắc Kinh áp đặt.
Thỏa thuận với Alibaba, dù chưa được Apple công bố chính thức, đã được Chủ tịch Alibaba, ông Joe Tsai, xác nhận công khai vào tháng 2 vừa qua. Alibaba không chỉ là đối tác về công nghệ mà còn là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Trung Quốc, có khả năng hỗ trợ Apple trong việc tiếp thị và phân phối iPhone. Theo chuyên gia phân tích Richard Kramer từ Arete Research, nếu thỏa thuận sụp đổ, Apple có thể mất đi một kênh phân phối quan trọng tại thị trường hơn một tỷ dân này.
Mỹ ngày càng xem AI là công cụ có thể dùng cho mục đích quân sự. Công nghệ này có khả năng điều phối tấn công và vận hành thiết bị không người lái. Vì vậy, Mỹ đang tìm cách hạn chế Bắc Kinh tiếp cận AI, bao gồm cắt đứt khả năng sản xuất và mua chip AI. Một số ý kiến trong chính quyền Trump thậm chí đề xuất đưa Alibaba và các công ty AI Trung Quốc vào danh sách cấm giao dịch với doanh nghiệp Mỹ.
Không chỉ riêng Alibaba, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Baidu, ByteDance cũng đang phát triển mạnh mẽ các nền tảng AI. Mỹ lo ngại rằng nếu các công ty này tiếp cận được người dùng toàn cầu thông qua các thiết bị như iPhone, họ có thể thu thập lượng lớn dữ liệu để cải tiến mô hình AI, từ đó mang lại lợi thế cho Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực quân sự.
Trước đó, vào năm 2021, Apple đã buộc phải từ bỏ kế hoạch mua chip nhớ từ nhà cung cấp Trung Quốc YMTC sau khi chịu áp lực từ chính phủ Mỹ. Gần đây, công ty cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các mức thuế do Mỹ áp lên sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm cả iPhone - yếu tố đe dọa trực tiếp đến biên lợi nhuận của tập đoàn công nghệ này.
Hiện tại, cả Apple, Nhà Trắng và Alibaba đều từ chối đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.
Ngoài vấn đề hợp tác với Trung Quốc, CEO Tim Cook cũng đang phải hứng chịu chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump vì chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ. Tổng thống Donald Trump mới đây đã cho biết ông đã nói với CEO Tim Cook của Apple rằng ông không muốn hãng này sản xuất sản phẩm ở Ấn Độ, mà thay vào đó hãy sản xuất ở Mỹ. .
Apple đã và đang đẩy mạnh sản xuất ở Ấn Độ, với mục tiêu 25% sản lượng iPhone toàn cầu của hãng sẽ đến từ nước này trong vài năm tới, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đang chiếm 90% sản lượng iPhone - sản phẩm chủ lực của Apple.