Ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều hoạt động xuất khẩu bị trì hoãn

17:15 02/09/2021

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 8, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD, giảm 9,7%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD, giảm 4,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 5,4%.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%. 

  Ảnh minh họa.

Trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%. Điển hình, Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; (3) Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%.

Đáng lưu ý, theo Bộ Công Thương nhận định, hiện tại, tình trạng ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa vẫn đang xảy ra. Tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ.

Theo cơ quan này, các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, cơ hội với xuất khẩu Việt Nam là rất lớn khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

Đồng thời, các Hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

P.V