![]() |
Gạo nếp Bể, gạo Mễ Thương và gạo làng Giắng (Thái Bình) được "hồi sinh" |
Hành trình đánh thức "giấc ngủ" của những giống lúa quý
Đã từng có lúc, giống lúa thuần bản địa mang tên nếp Bể (hay nếp Keo) ở huyện Vũ Thư, Thái Bình chỉ còn là ký ức. Diện tích gieo trồng ngày càng thu hẹp, giống lúa quý dần bị mai một. Nhưng sâu trong lòng những người con Thái Bình, khát vọng giữ gìn tinh hoa đất mẹ chưa bao giờ tắt.
Năm 2021, Tập đoàn ThaiBinh Seed đã thắp lại hy vọng. Với sự kiên trì và tâm huyết, dự án nghiên cứu bảo tồn, phục tráng giống lúa nếp Bể được khởi động. Sau ba năm nỗ lực không ngừng, những bông lúa vàng óng lại đung đưa trên cánh đồng. Giống lúa cổ truyền nay đã khỏe mạnh hơn, năng suất cao hơn, kháng bệnh tốt và đặc biệt giữ trọn hương vị thơm ngon đặc trưng.
Nếp Bể không chỉ được cấp phép lưu hành mà còn vươn mình trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, tự tin bước ra thị trường rộng lớn.
Ở huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình, gạo Mễ Thương - tinh hoa từ giống nếp cái hoa vàng - như đang kể lại câu chuyện lịch sử hào hùng. Cái tên "Mễ Thương" bắt nguồn từ kho lương thời Trần, nơi tiếp sức cho những người lính đánh tan giặc ngoại xâm.
Hợp tác xã An Thái đã hồi sinh giống lúa này với vùng trồng riêng biệt. Hạt gạo trắng sữa, khi nấu lên dẻo, mềm, thơm ngậy và vẫn giữ nguyên vị ngọt dù để nguội. Giờ đây, gạo Mễ Thương đã có mặt tại nhiều điểm bán, trở thành món quà quê ý nghĩa cho những người yêu hương vị truyền thống.
Ở làng Thượng Liệt (làng Giắng), thuộc huyện Đông Hưng - Thái Bình, thiên nhiên ưu đãi đã ban cho mảnh đất này điều kiện lý tưởng để sản sinh ra giống gạo thơm ngon khác biệt.
Gạo làng Giắng không chỉ là sản phẩm OCOP mà còn là niềm kiêu hãnh của người dân Đông Tân. Được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, gạo giữ nguyên độ dẻo, thơm và giàu dinh dưỡng. Những hạt gạo nơi đây đã góp phần đưa nông sản Thái Bình vươn xa hơn bao giờ hết.
Vun đắp giá trị bản địa
Không chỉ ba sản phẩm kể trên, những năm gần đây, thương hiệu gạo Thái Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ những vùng đất mặn khó canh tác, người dân đã tạo nên Gạo 3T - loại gạo ngon nhất thế giới, đồng thời nhiều sản phẩm gạo khác cũng được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Những hạt gạo mang thương hiệu quê hương không chỉ giúp người nông dân cải thiện thu nhập mà còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Đó là hành trình của sự gắn bó, của tình yêu quê hương thấm đẫm trong từng hạt ngọc nhỏ bé nhưng đầy giá trị.
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: “Là doanh nghiệp khoa học công nghệ, chúng tôi xác định rõ phải chung tay và có trách nhiệm góp phần bảo tồn nguồn gen quý bản địa. Ðây cũng nằm trong mục tiêu của đơn vị trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu và chọn tạo các giống cho năng suất, chất lượng cao hơn nữa và đích cuối cùng là phải xây dựng được thương hiệu lúa gạo Thái Bình”.