Những mối hiểm họa từ an ninh mạng
Những đe dọa về an ninh mạng đối với các doanh nghiệp ngày càng đa dạng và tinh vi. Dưới đây là một số loại đe dọa chính mà doanh nghiệp cần chú ý:
Những cuộc tấn công Ransomware: Là hình thức mà kẻ tấn công mã hóa dữ liệu của nạn nhân và yêu cầu tiền chuộc để giải mã. Đứng trước nguy cơ mất mát dữ liệu, gián đoạn hoạt động kinh doanh và tổn hại uy tín… Nhiều doanh nghiệp đã bị buộc phải đóng cửa hoặc trả tiền chuộc lớn để lấy lại dữ liệu.
Hình thức lừa đảo qua email (Phishing): Kẻ tấn công gửi email giả mạo nhằm lừa đảo người dùng cung cấp thông tin như tài khoản ngân hàng hoặc thông tin đăng nhập nhằm chiếm dụng tài chính. Hoặc kẻ tấn công sẽ thực hiện gửi nhiều yêu cầu đến máy chủ của doanh nghiệp, khiến hệ thống quá tải và không thể cung cấp dịch vụ, gây gián đoạn dịch vụ doanh nghiệp làm giảm doanh thu và ảnh hưởng đến mối quan hệ với khách hàng.
Kẻ tấn công cũng có thể lợi dụng việc: Các phần mềm không được cập nhật thường xuyên có thể chứa các lỗ hổng bảo mật để khai thác xâm nhập vào hệ thống đánh cắp dữ liệu gây uy cơ rò rỉ thông tin cao.
Bên cạnh đó chúng tấn công vào các chuỗi cung ứng như: tấn công vào các nhà cung cấp hoặc các bên thứ ba có liên quan đến doanh nghiệp để truy cập vào hệ thống của chính doanh nghiệp đó.
Ngoài ra, loại hình đe dọa nội bộ cũng là một hình thức khá phổ biến để lạm dụng thông tin, chiếm đoạt tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Đặc biệt loại hình tấn công bằng phần mềm độc hại (Malware) cực kỳ nguy hiểm. Kẻ tấn công sử dụng phần mềm độc hại để xâm nhập vào hệ thống, chiếm quyền điều khiển hoặc đánh cắp thông tin, dữ liệu, ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống và tổn thất tài chính, uy tín doanh nghiệp.
Những lĩnh vực thường có nguy cơ cao trong các cuộc tấn công an ninh mạng.
An ninh mạng là một vấn đề quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp, nhưng một số lĩnh vực có nguy cơ cao hơn và do đó có nhu cầu lớn về các biện pháp bảo vệ an ninh mạng như:
Lĩnh vực ngân hàng và tài chính: Các tổ chức ngân hàng và tài chính xử lý thông tin của khách hàng và có tài sản lớn. Các cuộc tấn công như lừa đảo trực tuyến, ransomware và đánh cắp thông tin tài khoản xảy ra phổ biến.
Lĩnh vực Y tế: Các bệnh viện và tổ chức y tế là nơi lưu trữ thông tin cá nhân và sức khỏe bệnh nhân. Những cuộc tấn công bằng hình thức ransomware vào hệ thống quản lý bệnh viện có thể dẫn đến mất mát dữ liệu bệnh nhân và ảnh hưởng đến sự chăm sóc y tế.
Lĩnh vực thương mại điện tử: Các trang web thương mại điện tử là nơi xử lý và lưu trữ giao dịch tài chính và thông tin khách hàng. Các mối đe dọa như đánh cắp thông tin thẻ tín dụng và tấn công từ chối dịch vụ… gây gián đoạn hoạt động.
Lĩnh vực Công nghệ thông tin: Các công ty công nghệ thường là mục tiêu chính do vai trò của họ trong việc cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ. Kẻ tấn công sẽ xâm nhập vào hệ thống quản lý dữ liệu, đánh cắp mã nguồn, rò rỉ thông tin.
Chính phủ và cơ quan công cộng: là nơi lưu trữ thông tin và có chức năng cung cấp dịch vụ công cho công dân. Tấn công vào lĩnh vực này nhằm gây rối hoặc đánh cắp thông tin quan trọng.
Lĩnh vực Giáo dục: Các trường đại học và viện nghiên cứu lưu trữ thông tin sinh viên và nghiên cứu giá trị cao.
Lĩnh vực Sản xuất và cung ứng: Thường bị tấn công vào hệ thống quản lý chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn sản xuất và thiệt hại lớn về tài chính.
Lĩnh vực Năng lượng và Tài nguyên: Thường bị tấn công vì vai trò quan trọng của họ trong hạ tầng cơ sở. Các cuộc tấn công vào hệ thống điều khiển có thể gây ra gián đoạn dịch vụ và nguy cơ về an toàn.
Một số biện pháp nâng cao an toàn thông tin cho doanh nghiệp
Thời kỳ chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng kéo theo những thách thức về an toàn thông tin. Để giảm thiểu những nguy hại từ an ninh mạng, doanh nghiệp cần thực hiện một loạt các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa. Dưới đây là những hành động cụ thể mà doanh nghiệp có thể áp dụng:
Thiết lập chính sách an ninh mạng: Xây dựng chính sách bảo mật; đào tạo cho nhân viên về tầm quan trọng của an ninh mạng và vai trò của họ trong chính sách bảo mật; Thực hiện các bài tập mô phỏng tấn công để giúp nhân viên xử lý sự cố trong thực tế; đồng thời thường xuyên cập nhật phần mềm để đảm bảo tất cả phần mềm, hệ điều hành và ứng dụng được cập nhật phiên bản mới nhất kịp thời vá các lỗ hổng bảo mật.
Sử dụng phần mềm bảo mật như: Phần mềm chống virus, tường lửa và hệ thống phát hiện xâm nhập. Đồng thời thiết lập hệ thống quản lý quyền truy cập, chỉ cấp quyền truy cập cho những nhân viên cần thiết, thực hiện xác thực đa yếu tố để tăng cường bảo mật.
Tăng cường giám sát, kiểm soát truy cập và thiết lập quy trình rõ ràng để ứng phó với sự cố an ninh mạng, bao gồm các bước khôi phục và thông báo cho các bên liên quan.
Ngoài ra, cần phải sao lưu dữ liệu thường xuyên để đảm bảo dữ liệu quan trọng được sao lưu định kỳ và lưu trữ ở địa điểm an toàn, có khả năng phục hồi nhanh chóng khi cần thiết…
Việc đầu tư vào an ninh mạng không chỉ là việc chống lại các mối đe dọa, mà còn giúp xây dựng lòng tin với đối tác. Do đó các doanh nghiệp cần nhận thức được an ninh mạng là một phần thiết yếu trong chiến lược kinh doanh tổng thể của mình.