Sáng 30/4, tại khu Thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek (đây là nơi có núi Cô Tô, còn được mệnh danh là Phụng Hoàng Sơn), xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chương trình biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật năm 2023, chính thức được khai mạc.
Ông Trần Minh Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, sự kiện này nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân trong địa bàn huyện và khách du lịch đến tham quan vào dịp lễ 30/4 và 1/5, tại khu Thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek, xã Núi Tô và Quảng trường Thái Quốc Hùng.
“Chúng tôi đã phối hợp với Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM chính thức khai mạc chương trình biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật năm 2023. Khi đến với chuỗi hoạt động chào mừng lễ hội, du khách được chiêm ngưỡng 80 dù lượn có động cơ, 30 máy bay mô hình, 50 phi công tham gia biểu diễn. Du khách sẽ có cơ hội bay trải nghiệm thực tế ngắm nhìn toàn cảnh khu Thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek từ trên cao. Bên cạnh đó, chương trình còn có biểu diễn phục vụ bay ban đêm có bắn pháo hoa tầm thấp trên không”, ông Giang nhấn mạnh.
Ông Giang thông tin thêm, trong hoạt động thả diều nghệ thuật tại quảng trường, với quy mô khoảng 30 con diều lớn có kích thước từ 7 - 10m và 70 con diều nhỏ với tạo hình bắt mắt.
Ngoài ra, còn có các loài linh vật đủ màu sắc, nhiều chủng loại khác nhau, có kích thước từ 3m trở lên, do nghệ nhân Phạm Văn Tâm cùng các nghệ nhân khác tham gia biểu diễn.
Với kinh nghiệm dày dạn, trình độ chuyên môn cao, các phi công, nghệ nhân đã mang đến cho người xem những màn trình diễn vô cùng mãn nhãn và hấp dẫn với rất nhiều kỹ thuật bay ấn tượng.
“Điều đặc biệt nhất là hoạt động “Bay lên cánh diều ước mơ” mang theo 100 điều ước của những học sinh giỏi trên địa bàn huyện được ghi lên đuôi điều. Sau đó, được các nghệ nhân thả bay lên trời. Cánh diều không chỉ thể hiện ước vọng về cuộc sống tốt đẹp mà còn mang tới cơ hội giao lưu giữa người nghệ nhân và người mến mộ bộ môn tao nhã gắn liền với tuổi thơ này. Tôi mong rằng thời gian tới, sự kiện này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, quy mô hơn, thu hút nhiều người đến xem. Qua đó, quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong và ngoài tỉnh những nét văn hóa đặc sắc của huyện Tri Tôn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung”, ông Giang mong mỏi.
Ở sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” được tổ chức lần đầu năm 2020, ông Nguyễn Hữu Nam - thành viên Hội Dù lượn TP Hà Nội, người được xem là phi công dù lượn cao tuổi nhất Việt Nam (69 tuổi) lúc đó, từng chia sẻ: Trong những chuyến khảo sát tìm điểm bay mới ở miền Nam, Hội Dù lượn TP Hà Nội như “bắt được vàng” khi phát hiện ra điểm bay trên Phụng Hoàng Sơn (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). “Điều kiện địa hình, thời tiết, sức gió ở đây rất phù hợp để bay được nhiều thời điểm trong năm, mặt bằng điểm bay trên Vồ Hội rất thuận lợi cho phi công cất cánh.
Theo ông Nam, khi trao đổi về xây dựng điểm bay mới, chúng tôi được lãnh đạo địa phương nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện tối đa. Trong quá trình bay thử, kết quả đạt được rất tốt. “Từ độ cao trên Phụng Hoàng Sơn, quan sát toàn cảnh vùng Bảy Núi rất đẹp. Tôi nghĩ đây là điểm bay mới rất lý tưởng. Thông qua môn thể thao này, sẽ thu hút nhiều bạn trẻ và du khách đến với An Giang”, ông Nam nhận định.
Ông Lâm Quang Quý, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM cho biết, đối với hoạt động diều lượn Ban tổ chức có vài chiếc được sản xuất từ Anh với động cơ 912 của Áo, mã lực mạnh, tốc độ bay trên 100km/h, độ cao không giới hạn.
“Muốn điều khiển những chiếc diều bay có động cơ mạnh, các phi công phải qua một khóa huấn luyện kỹ lưỡng để có thể xử lý hết mọi bất trắc ở trên không. Với chiếc diều bay với động cơ 912 khi được xuất xưởng có giá khoảng 80.000 USD”, ông Quý nói.
Cũng theo ông Quý, khi tất cả phi công cất cánh hay hạ cánh phải đảm bảo đường băng không có bất kỳ chướng ngại vật nào. Khi phi công cần hạ cánh phải liên lạc với đài chỉ huy để sắp xếp đường băng hạ cánh an toàn.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 30/4 và 1/5 còn có chương trình ẩm thực chủ đề “Hương vị đặc sắc Tri Tôn” với khoảng 50 gian hàng ẩm thực và các trò chơi dân gian vui tươi, bổ ích. Qua đó, quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh những nét văn hóa đặc sắc của huyện miền núi Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Theo bà Trần Thị Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn, ngoài biểu diễn dù lượn, diều lượn có động cơ và máy bay mô hình còn có các chương trình văn nghệ; hoạt động triển lãm, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, được công nhận OCOP như: Đường thốt nốt, tinh dầu chúc, gạo sữa Bảy Núi… Đồng thời, còn giới thiệu nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của vùng đất Bảy Núi, như: Đu đủ đâm, gà đốt Ô Thum, chè thốt nốt, bánh bò thốt nốt, ếch nướng…
Dù bước sang ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhưng lượng khách từ khắp nơi đổ về vùng Bảy Núi chưa đông đúc so với những kỳ nghỉ lễ trước.
Tại tỉnh An Giang trong 3 tháng đầu năm, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Ước toàn tỉnh đã đón tổng số 4 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 60% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế đạt 6.000 lượt, tăng gấp 20 lần cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong quý I ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 79%.
Bửu Chương