Alibaba và Amazon – Cuộc chiến TMĐT từ Đông sang Tây

16:45 15/03/2021

Amazon và Alibaba là hai ông lớn của ngành thương mại điện tử (TMĐT) thế giới vẫn trong giai đoạn cạnh tranh để giành lấy ngôi vị dẫn đầu thị trường này trên toàn cầu.

Amazon đặt nền tảng vào năm 1995 với tư cách là một cửa hàng sách trực tuyến trong khi Alibaba bắt đầu kinh doanh vào năm 1999, gần 5 năm sau khi Amazon thành lập. Giờ đây, cả hai công ty đều đã thiết lập được sự hiện diện mạnh mẽ của thương hiệu tại quê nhà mở rộng “vùng phủ sóng” ra khắp thế giới. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Tóm tắt lịch sử

Còn nhớ vào năm 1999 khi cả thế giới dường như đang hướng về Jack Ma và 18 cộng sự thành lập nên tên tuổi của Alibaba.com. Đây có thể coi là thị trường B2B đầu tiên của Trung Quốc phục vụ cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ xuất khẩu sản phẩm quốc nội ra toàn cầu, đặc biệt công ty có lãi chỉ 3 năm sau khi được thành lập. Kể từ đó, Alibaba đã phát triển đều đặn và rộng khắp. Mặc dù Jack Ma từ chức Chủ tịch nhưng ông đã xây dựng được một nền tảng rất vững chắc và khó có nền tảng thương mại điện tử nào có thể chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu của Alibaba trong thị trường châu Á.

Về phần Amazon, Jeff Bezos đã xây dựng nên một trong những thị trường thương mại điện tử lớn nhất và thành công nhất trên toàn thế giới. Anh bắt đầu khởi nghiệp sớm hơn Jack Ma 5 năm sau khi nghỉ việc ở vị trí Phó Chủ tịch tại một công ty ở Phố Wall và gây dựng sự nghiệp huy hoàng với Amazon. Mặc dù ý tưởng ban đầu chỉ là một cửa hàng sách trực tuyến, nhưng sàn TMĐT nhanh chóng mở rộng kinh doanh với nhiều danh mục đa dạng khác nhau. Không dừng lại ở đó, tỷ phú Bezos còn mua lại Twitch, Whole Foods và hơn 40 công ty con khác, với tổng giá trị hơn 500 tỷ đô la.

Điểm giống nhau giữa Amazon và Alibaba

Nhìn bề ngoài, cả hai dường như có khá nhiều điểm chung. Đây là hai gã khổng lồ thương mại điện tử có rất ít đối thủ có khả năng cạnh tranh. Mặc dù thị phần của hai bên có tỷ lệ phần trăm khác nhau (Amazon sở hữu 39% tổng doanh thu thương mại điện tử của Hoa Kỳ, trong khi Alibaba sở hữu 58,2% tất cả cổ phần thương mại điện tử bán lẻ ở Trung Quốc), nhưng tựu chung cả hai nền tảng đều “thống trị” tại những thị trường nhất định.

Cả hai cũng có hệ thống thanh toán độc quyền: Amazon có Amazon Pay cho phép người dùng mua các mặt hàng trên các trang không phải thuộc sở hữu của sàn này bằng tài khoản Amazon. Alibaba cũng đã làm điều tương tự với Alipay, với hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng năm sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến và di động của mình. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm tương đồng, Amazon và Alibaba có những mô hình kinh doanh rất khác nhau. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Chiến lược kinh doanh

Amazon hiện thống trị Bắc Mỹ và châu Âu, trong khi Alibaba kiểm soát Trung Quốc và đã tạo ra một mạng lưới quan hệ đối tác và đầu tư chiến lược ở Đông Nam Á. Cả hai công ty đều có khoảng thời gian đặt cược lớn vào thị trường Ấn Độ và sau này chuyển sang Úc nhưng về cơ bản tận dụng ba xu hướng: số hóa các hệ thống tài chính toàn cầu, mở rộng phạm vi và tăng khả năng thâm nhập internet. Đối với những cơ hội mới trước mắt, hai bên đã tiến hành nhiều chiến lược đối lập, cụ thể Amazon mua lại trong khi Alibaba đầu tư. Bên ngoài Hoa Kỳ và Trung Quốc, Alibaba chiếm cổ phần thiểu số trong số công ty nhiều gấp đôi Amazon, trong khi Amazon mua lại nhiều công ty hơn Alibaba gấp 5 lần. Bên cạnh đó, Amazon tập trung vào việc phát triển thị trường có thương hiệu của mình và sẽ chi hàng tỷ đô la trong thập kỷ tới để đưa mô hình giá rẻ, nhiều lựa chọn và giao hàng nhanh ra thế giới. Còn Alibaba mở rộng mạng lưới hậu cần của mình trên khắp thế giới và liên kết các công ty con lại với nhau để kết nối các thị trường thương mại điện tử trên thế giới.

Có thể nhận thấy rõ ràng hai công ty, đặc biệt là Alibaba, đang tìm cách đa dạng hóa doanh thu trên các khu vực địa lý khác nhau. Cả hai đều hướng tới viễn cảnh một nhà bán lẻ thành công nếu xây dựng được sự hiện diện thương mại điện tử hàng đầu và đưa quốc gia vào lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Hai công ty đều có thể chi mạnh tay cho việc mở rộng khi cổ phiếu của họ tăng vọt - vốn hóa thị trường ở mức 720 tỷ USD đối với Amazon và 483 tỷ USD đối với Alibaba.

Mục tiêu thị trường

Cạnh tranh giữa Amazon và Alibaba đang nóng lên ở các thị trường chưa được khai thác. Vào khoảng thời gian trước Úc, Singapore và Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành những thị trường thương mại điện tử bùng nổ nhất trong những năm tới. Ấn Độ là khu vực có tiềm năng tăng trưởng cao nhất và đây là lý do tại sao cả Amazon và Alibaba đều coi đây là phạm vi quan trọng đối với chiến lược dài hạn. Nghiên cứu từ Morgan Stanley dự đoán thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ bùng nổ từ 15 tỷ đô la năm 2016 lên 200 tỷ đô la vào năm 2026, con số này được đưa ra sau khi đã tăng theo cấp số nhân từ 3,9 tỷ đô la năm 2009. Úc là một nền kinh tế tài chính phát triển, nơi 88% công dân là người sử dụng Internet cho hoạt động thường ngày. Bên cạnh đó tại thị trường bán lẻ tại đây vẫn có sự phân khúc và chưa có một nhà bán lẻ nào hoàn toàn thống trị, tạo cơ hội lớn hơn cho các “đại gia” này trong xây dựng đế chế bán lẻ mới. Và Singapore hiện đại hóa hơn đáng kể so với các nước Đông Nam Á khác. Đây là một trung tâm tài chính hàng đầu ở châu Á và 82% dân số của nó tích cực sử dụng Internet, khiến nơi đây trở thành ưu tiên hàng đầu của hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Sau nhiều năm cạnh tranh, giờ đây có thể thấy rõ kết quả mà hai “ông lớn” ngành thương mại điện tử gặt hái được khi Alibaba đánh chiếm khu vực Đông Nam Á còn Amazon tập trung hoàn toàn vào Singapore. Tuy nhiên có vẻ như Alibaba vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ tham vọng đối với đảo quốc Sư Tử. Tại Singapore, Alibaba và Amazon đang cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh hàng tạp hóa theo yêu cầu. Quốc gia Đông Nam Á này dường như là thị trường duy nhất mà hai gã khổng lồ đối đầu trực tiếp với nhau. Theo dự báo của Google và Temasek, Đông Nam Á là nơi sinh sống của 620 triệu người và thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ đạt 88 tỷ USD vào năm 2025. Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, Alibaba đã mua phần lớn cổ phần của nền tảng thương mại điện tử Lazada có trụ sở tại Singapore vào năm 2016 với giá 1 tỷ USD ở mức định giá 1,5 tỷ USD. Một năm sau, Alibaba tăng cổ phần của họ lên 83% công ty, đóng góp thêm 1 tỷ đô la với mức định giá 3,15 tỷ đô la.

Lazada vận hành thị trường tại sáu quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Khu vực này đạt mức phát triển bùng nổ cụ thể trong khoảng thời gian giữa hai khoản đầu tư của Alibaba, số người bán của Lazada đã tăng lên hơn 100.000 người với hơn 80 triệu SKU có sẵn cho khách hàng. Vào tháng 11 năm 2016, Lazada đã sử dụng từ 30 - 40 triệu đô la trong số tiền đó để mua lại công ty khởi nghiệp cửa hàng tạp hóa điện tử Redmart có trụ sở tại Singapore, sẽ cạnh tranh với Amazon Now. Alibaba hy vọng việc mua lại Lazada sẽ là một phần quan trọng trong kế hoạch đa dạng hóa 50% doanh thu ở thị trường ngoài Trung Quốc. Theo thu nhập hàng quý của Alibaba từ ngày 31 tháng 12 năm 2017, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bán lẻ thương mại quốc tế của nó đạt 727 triệu đô la, tương ứng với mức tăng trưởng 93% so với cùng kỳ năm trước.

Amazon thâm nhập vào Singapore vào tháng 7 năm 2017 và ngay lập tức cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ Prime Now. Henry Low, Giám đốc Prime Now của Amazon tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi cung cấp Prime Now cho toàn bộ quốc gia. Singapore cho phép chúng tôi ra mắt toàn quốc cùng một lúc và khi nhìn vào Singapore, đó là một đô thị, một thành phố tuyệt vời, mọi người rất hiểu biết về công nghệ và nơi này hoàn toàn phù hợp với đề xuất giá trị Prime Now”. Vào tháng 12, Amazon đã khởi động chương trình thành viên Prime đầy đủ của mình tại Singapore. Cung cấp đầy đủ Prime bao gồm giao hàng quốc tế miễn phí cho các đơn đặt hàng trên 30,20 đô la và đăng ký dịch vụ Prime Video và Prime Twitch. Động thái này của Amazon đã một thời làm căng thẳng cuộc chiến giữa Alibaba và Amazon một lần nữa.

Cả Alibaba và Amazon đều là những thế lực toàn cầu đang liên tục mở rộng phạm vi hoạt động trên khắp thế giới. Hai nền tảng thương mại điện tử đình đám có cơ hội to lớn trong thời gian từ trung đến ngắn hạn để tìm ra và khai thác các thị trường tiềm năng. Với doanh thu hàng tỷ đô la vẫn đang tiếp tục gia tăng, sự cạnh tranh giữa hai “gã khổng lồ” chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt. Với sự gia tăng mức độ phổ biến internet gần đây, Mỹ Latinh và châu Phi có thể là chiến trường tiếp theo, nơi những người chơi thương mại điện tử tìm cách mở rộng dấu chân của mình.

TL