Với việc Trung Quốc đang hướng sự chú ý tới những gã khổng lồ công nghệ trong nước, Alibaba đã mở rộng mối quan hệ hợp tác với Tencent, vốn được biết đến là một đối thủ lâu năm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Alibaba từ lâu đã có được thu nhập cao nhờ sự bám trụ của họ trên thị trường khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, áp lực chống độc quyền và cuộc đấu tranh đa dạng hóa đã khiến nhiều mồi lo ngại đặt ra về việc liệu công ty có khả năng tiếp tục phát triển trong dài hạn hay không, đặc biệt là khi họ đang phải vật lộn với khoản lỗ hàng quý đầu tiên kể từ khi niêm yết cổ phiếu vào năm 2014.
Mới đây, Alibaba đã thông báo rằng họ ghi nhận khoản lỗ ròng 5,4 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 839 triệu USD) trong quý 1, phần lớn do khoản phạt chống độc quyền hơn 18,2 tỷ Nhân dân tệ mà chính quyền Trung Quốc áp dụng.
"Chúng tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi chấp nhận hình phạt một cách chân thành và sẽ quyết tâm để tuân thủ các quy định", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang cho biết trong một cuộc gọi.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh về việc tạo ra giá trị lâu dài: "Trong năm tài chính 2022, chúng tôi có kế hoạch đầu tư và tăng vốn bổ sung vào việc hỗ trợ cho các thương gia của chúng tôi, đồng thời phát triển các doanh nghiệp mới, các lĩnh vực mới. Việc đề ra chiến lược cụ thể sẽ giúp chúng tôi tăng lợi nhuận và thâm nhập vào các thị trường mới nổi".
Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ đã phải vật lộn để theo kịp các đối thủ bên ngoài trong những năm gần đây.
Mới đây, Alibaba đã đặt tên cho Taobao Deals là một trong những động cơ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Ứng dụng thương mại điện tử giá hời này chủ yếu nhắm đến các thành phố nhỏ và làng quê nông thôn, nơi công ty có ít được biết đến.
Zhang nói: Số người dùng hoạt động hàng tháng của ứng dụng đạt 130 triệu người trong một năm, vì vậy tôi nghĩ đó là một khởi đầu tốt". Nhưng Alibaba vẫn thua xa các đối thủ của mình trong việc tung ra các 'Bargain Apps' (ứng dụng dành cho những người muốn mặc cả giá bán), một lĩnh vực được tiên phong bởi công ty thương mại điện tử đứng thứ 3 Trung Quốc, Pinduoduo.
Alibaba cũng đã đầu tư rất nhiều vào các dịch vụ đám mây trong vài năm qua như một phần trong nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào thương mại điện tử. Tuy nhiên, khoản lỗ hoạt động của doanh nghiệp đó đã tăng gần 30% trong năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021), lên 9 tỷ Nhân dân tệ và vẫn chưa rõ khi nào doanh nghiệp này thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Cuộc đàn áp theo quy định của Trung Quốc đặt ra một rào cản khác đối với Alibaba. Một người trong ngành cho biết áp lực thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại "sẽ bóp chết sức mạnh thu nhập của Alibaba".
Mối quan hệ của công ty với Tencent Holdings, cho thấy áp lực pháp lý đang buộc các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc phải đánh giá lại các chiến lược của họ như thế nào?
Tencent và Alibaba đã dẫn đầu ngành công nghệ của Trung Quốc ngay từ những ngày đầu thành lập. Mặc dù Alibaba ban đầu đã trở nên nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử và Tencent trong trò chơi và truyền thông xã hội, các tập đoàn đã tích cực thu hút các hoạt động kinh doanh dựa trên các nền tảng internet khác nhau và mở rộng sang một loạt các hoạt động hướng tới khách hàng.
Cả nỗ lực của Alibaba và Tencent đều tập trung vào việc tạo ra các hệ sinh thái trực tuyến độc đáo, cho phép các thành viên truy cập vào các nguồn tài nguyên phong phú của họ và thanh toán dựa trên điện thoại thông minh, nhưng đồng thời cả 2 hãng đều không chấp thuận các hình thức kinh doanh của nhau.
Ví dụ, hầu hết các dịch vụ liên kết với Alibaba không nhận thanh toán thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent. Trong khi đó, Tencent chặn hầu hết các dịch vụ của Alibaba khỏi các chương trình của WeChat.
Nhưng sự cạnh tranh lâu năm của họ bắt đầu được phá vỡ vào mùa xuân này, khi Phó chủ tịch Alibaba Wang Hai tỏ ra quan tâm đến việc hợp tác với Tencent. Các công ty hiện đang làm việc cùng nhau trên một số dịch vụ và WeChat đã bắt đầu cung cấp một chương trình nhỏ cho ứng dụng giao hàng của Alibaba.
Động thái này diễn ra khi chính quyền Trung Quốc đàn áp các nền tảng công nghệ có thị phần khổng lồ, như Alibaba và Tencent. Áp lực đang đẩy các các công ty phải chuyển khỏi mô hình hệ sinh thái của họ vốn được thiết kế để ngăn chặn các đối thủ. Mặc dù hiện vẫn chưa rõ liệu sự hợp tác mới của họ có giúp ích hay cản trở sự tăng trưởng về lâu dài hay không.
Alibaba và Tencent dự kiến sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc mở cửa nền tảng của họ cho các đối thủ mới nổi. Trước đó, ByteDance - công ty sở hữu ứng dụng Tiktok đã kiện Tencent vào tháng 2 năm nay vì cáo buộc vi phạm chống độc quyền.
Những lo ngại về tương lai của Alibaba cũng đã trở thành chủ đề nóng trên thị trường, với việc cổ phiếu có thời điểm đã giảm hơn 6% tại Hồng Kông vào ngày 14/5. Cùng với đó, khoản lỗ ròng trong quý 1 vừa rồi cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về những bất ổn xung quanh quy định đối với các nền tảng internet của Trung Quốc.
Bảo Bảo (Theo Nikkei Asia)